Sau khi lo tất cả công việc cho ngày tết truyền thống, năm nay Nhật Quang (phải) cùng gia đình đón Tết Canh Tý ở Đà Lạt. Ảnh: Q.N

Mỗi gia đình chọn một cách đi, nhưng chung quy lại họ điều có mong ước vẫn được quây quần bên nhau, vẫn được khám phá, thoải mái ở một không gian mới lạ để lấy lại năng lượng cuộc sống. “Đây là năm đầu tiên gia đình mình quyết định đi du xuân ở Đà Lạt. Các thành viên trong gia đình rất hào hứng, và cảm thấy thích thú bởi sự thay đổi cách đón tết này”, Nguyễn Phúc Nhật Quang (28 tuổi, Nguyễn Công Trứ, TP. Huế) nói.

Du xuân không có nghĩa là bỏ tết. Từ trước đó, các thành viên trong gia đình đã chuẩn bị các mâm cỗ để cúng lên bàn thờ gia tiên, cúng Giao thừa và đi thăm người thân vào ngày mồng 1. Quang cho biết, thường mọi năm các thành viên trong gia đình khá tất bật với tết mà quên đi rằng cần nghỉ ngơi, thư giãn… Vì thế năm nay, tất cả các thành viên thu xếp với nhau để thực hiện chuyến du xuân ý nghĩa. Quang từ TP. HCM ra, em trai từ nước ngoài về, cùng cha mẹ đặt vé từ trước đó và đến sáng Mùng 2 bắt đầu khởi hành.

Điểm đến của gia đình Quang là Đà Lạt. “Với một khoảng thời gian ngắn mình vừa giữ được giá trị truyền thống, vẫn có thể đón tết theo cách riêng của gia đình. Ngoài ra, mình có hiểu thêm văn hóa ở vùng đất mình đi qua, đón nhận được cái mới lạ, hay ho mà mình chưa hề thấy, biết. Đặc biệt, cách đón Tết này tạo nên không khí mới, giúp gia đình gắn kết, yêu thương và hạnh phúc hơn sau những ngày tháng… việc ai nấy lo”, Quang chia sẻ.

Cũng như gia đình Quang, gia đình Nguyễn Tâm Nhân (Bà Triệu, TP. Huế) đây là cái tết thứ 3 cùng mọi người du hành ở một nơi xa. Điểm đến của gia đình 6 thành viên này Tết Canh Tý này là Phú Quốc. Nhân chia sẻ, mọi thứ được lên lịch trình rất cụ thể, từ khâu đặt vé, đặt khách sạn… và quan trọng nhất là xem dự đoán thời tiết, sao cho phù hợp với chuyến đi. Năm nay, cả gia đình Nhân khởi hành vào ngày Mùng 2, đúng khi thời tiết rét lạnh đổ tràn về Huế. “Mình đi không phải để trốn tết, mà để cảm nhận một không khí mới lạ. Tất nhiên trước khi đi, cả nhà cũng đã làm một số thủ tục với tiêu chí nhanh – gọn – lẹ”, Nhân nói và cho biết, kinh nghiệm đi du xuân ở nơi xa rằng phải chuẩn bị trước rất kỹ, bởi trào lưu đón tết kiểu này được rất nhiều người chọn lựa, nên nhiều khi quá tải, không thể đặt vé.

Thói quen “đón xuân xa” cũng lan qua rất nhiều người trẻ độc thân đam mê du lịch bụi. Bất chấp những lời “đồn tiếu” của nhiều người, Bùi Triệu Khoa (kiến trúc sư, TP. Huế) năm nào cũng chọn cách đón tết ở một nơi xa. Sau khi đón Giao thừa, thăm hỏi người thân trong gia đình, ngày mồng 4 Tết, Khoa lên chuyến bay khởi hành đi du xuân ở đất nước Indonesia.

“Tôi nghĩ rằng, tết là truyền thống không thể thiếu của người Việt. Nó là nét đẹp, mang cảm xúc rất khó tả. Tất nhiên, mình không trốn tránh, nhưng sau khi cần lo một vài việc mình sẽ dành thời gian cho bản thân bằng những chuyến đi chơi xa, vừa để lấy lại cân bằng cuộc sống, vừa tạo năng lượng trước khi bắt đầu công việc đầu năm”, Khoa tâm tình.

Mỗi người một cách đón tết. Tuy khác nhau nhưng giữa cuộc sống hiện đại như thế, họ vẫn giữ được giá trị truyền thống và cách tân trong suy nghĩ bằng những chuyến đi du xuân xa với người thân hoặc một mình sao cho hài hòa.

Nhật Minh