Hậu quả khôn lường

Ông Trần Văn Xê ở thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân (Phong Điền) cho biết: Gia đình làm 6 sào ruộng, chủ yếu ở các chân ruộng cao, gặp phải thời tiết cực đoan, lượng mưa ít nên cỏ mọc rất nhiều. Để bước vào vụ sản xuất đông xuân, tôi đã chủ động mua thuốc để diệt cỏ trên đồng ruộng và bờ vùng, bờ thửa chứ làm cỏ thủ công thì tốn kém rất nhiều.

“Thuốc này chúng tôi chỉ quen gọi là thuốc cỏ cháy chứ không nhớ tên gì. Hầu hết các cửa hàng bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn đều có bán. Làm như thế này vừa nhanh lại vừa đỡ tốn công, không ảnh hưởng đến năng suất lúa, nên chúng tôi thấy thuận lợi thì làm thôi”, bà Nguyễn Thị Thủy ở Phong Xuân nói.

Qua quan sát, sau khi sử dụng các loại thuốc diệt cỏ cháy, cỏ hoang, cỏ dại trên những cánh đồng đều bị chết cháy. Thậm chí đất trong ruộng cũng chuyển màu vì bị ô nhiễm. Đáng lo ngại nhất là nhiều đám ruộng nằm gần khu dân cư, nằm gần ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; thuốc diệt cỏ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi.

Ông Nguyễn Khoa Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền thông tin: Việc sử dụng thuốc trừ cỏ trước khi làm đất để gieo cấy lúa sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong đất; gây chết các loại sinh vật có ích trong đất như: giun; lươn; trạch... Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình sâu bệnh trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp và phát sinh nhiều đối tượng mới. Tác hại lớn nhất chính là gây thoái hóa đất, khô cằn đất, phá hỏng bờ ruộng do bở đất.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, khi sử dụng thuốc trừ cỏ không có bảo hộ sẽ có thể gây ngộ độc dẫn đến các hiện tượng như: đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, suy hô hấp hoặc có thể nặng hơn tùy theo thể trạng và lượng thuốc ngấm vào cơ thể. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng...

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ý thức được việc thuốc diệt cỏ hoang gây ra nhiều hệ lụy đến chất đất và sức khỏe của nông dân, HTX NN Vĩnh An (Phong Bình) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho thành viên không sử dụng thuốc diệt cỏ hoang. Hiện nay, trên toàn bộ diện tích ruộng lúa bà con nông dân không sử dụng thuốc cỏ hoang mà chỉ làm bằng thủ công hoặc máy cắt cỏ, những trường hợp vi phạm HTX nhắc nhở trên hệ thống loa truyền thanh, nên thành viên tự giác rất cao. Hiện, HTX đang triển khai thực hiện mô hình cây lúa VietGAP nên tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết: Xã Phong Bình đã triển khai sản xuất lúa theo hướng VietGAP, để phát triển cây lúa theo hướng này là ưu tiên không sử dụng thuốc diệt cỏ. Trước khi bước vào vụ mới, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hệ quả của việc sử dụng thuốc diệt cỏ, đồng thời chỉ đạo các HTX tiến hành cày ải sớm để làm sạch cỏ trên đồng ruộng. UBND xã cũng đã tuyên truyền cho các hộ kinh doanh không bán các loại thuốc diệt cỏ có hóa chất độc hại nằm trong danh mục bị cấm.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin: Quyết định số 278 của Bộ NN&PTNT về loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đã có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat trên đồng ruộng.

Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các hộ kinh doanh về thuốc BVTV để các cơ sở kinh doanh nắm được các thuốc có hoạt chất độc hại đã bị cấm, đồng thời sẽ tham mưu lãnh đạo UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra buôn bán và sử dụng các loại thuốc BVTV để có hình thức răn đe...

Tiến Dũng