Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh trồng cây đầu năm. Ảnh: LT

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên năm mới Canh Tý 2020 (30/1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành cùng tham dự và phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại tỉnh Yên Bái. Hoạt động này cũng được đông đảo các địa phương, các ngành, các cấp hưởng ứng và trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về.

Cách đây hơn 60 năm (28/11/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Người cũng chỉ rõ, việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều. Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh  trong Tết trồng cây đã trở thành một nội dung của kế hoạch phát triển dân sinh, kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn cũng như miền núi. Đây cũng được coi là kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục của Nhà nước.

Với Thừa Thiên Huế, tết trồng cây hằng năm được tổ chức trang trọng ở hầu hết các địa phương. Tết trồng cây Canh Tý năm 2020 của tỉnh chính thức phát động vào sáng mùng 7 tết tại khu di tích lịch sử Chín Hầm, nhưng từ ngày mùng 6 tết, một số địa phương đã tổ chức sớm hoạt động này. Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 5.950 ha rừng, duy trì ổn định độ che phủ rừng của toàn tỉnh đạt 57,5%.

Không chỉ phát triển rừng trồng tập trung, rừng ngập mặn mà việc trồng cây xanh phân tán ở các đô thị cũng được chú trọng cả tiêu chí xanh lẫn tiêu chí đẹp. Điển hình, TP. Huế có mật độ cây xanh cao nhất cả nước với 65.000 cây xanh nhiều chủng loại khác nhau trên 365 tuyến đường, trong đó có hơn 60 chủng loại cây xanh bóng mát, đạt gần 13m2 cây xanh/người. Năm 2016, TP. Huế là thành phố duy nhất của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) công nhận là “Thành phố xanh quốc gia”. Tiếp đó, tại Diễn đàn du lịch ASEAN 2018 và 2020, Huế 2 lần vinh dự được trao danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN. Để được công nhận danh hiệu này, Huế đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó có tiêu chí nhiều không gian xanh.

Để có kết quả trên, ngoài nền tảng hình thành qua nhiều năm, từ năm 2015, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục đích xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững. 

Gần đây, Thừa Thiên Huế đã triển khai hàng loạt mô hình như “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an” để giữ môi trường xanh. Huế là một trong số ít thành phố của Việt Nam vẫn giữ được hệ thống cây xanh cổ thụ trên các đường phố. Chính quyền địa phương cũng phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” dọn dẹp rác thải, trồng cây xanh để góp phần làm cho Huế ngày càng xanh, sạch đẹp, văn minh hơn. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều đơn vị, cá nhân, người dân toàn tỉnh đã trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường, vườn nhà.

Trồng cây gây rừng là trách nhiệm cả xã hội và mọi người đều có thể tham gia, từ việc trồng rừng tập trung, trồng trong vườn nhà đến trồng cây các khuôn viên trường học, công trình công cộng, đường làng, ngõ xóm, bờ bao…Việc trồng cây không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, tạo cảnh quan môi trường cuộc sống mà còn là cách giáo dục hiệu quả với lớp trẻ trong việc tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hưởng ứng Tết trồng cây chính là hành động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hoàng Minh