Khi tôi đang chầm chậm loay hoay với những việc không tên thì dì xuất hiện. Không biết má tôi đã nói gì mà dì vừa quày quả lên cầu thang, vừa bảo “để đó cho dì. Con lên nhà nằm nghỉ đi! Nước nôi chi, dì không uống mô. Thôi, con bỏ đó đi, để dì lo mấy việc ni cho…”

Tôi, thiệt tình là quá ái ngại khi dì một mực giằng lấy việc. Bắt đầu từ căn bếp. Tôi chỉ còn biết đứng đó, trò chuyện khi dì lúi húi dọn dẹp. Câu chuyện làm tôi thấy, mình cũng thật là vô tâm khi không hay dì đã vào ở Đà Nẵng gần hai năm trời để trông cháu cho vợ chồng đứa con trai. Hỏi miết thì hay, nghỉ sớm từ năm 50 tuổi nên lương hưu của dì vào khoảng non 2 triệu đồng mỗi tháng. Không có của ăn, của để, dì đi làm giúp việc cho người ta để phụ thêm các khoản chi tiêu hàng tháng. Có thêm đứa cháu thứ hai, dì chỉ biết bỏ công vào chăm cháu, lo thu vén việc nhà cho con trai cả. Cả nhà sống trong căn hộ nhỏ xíu, mãi trên tầng cao. Công việc hàng ngày của dì là lo cho đứa bé, đi chợ, dọn dẹp. “Nhà trong nớ gần biển nhưng dì mới ra đó được 2 lần. Cũng chỉ tắm rồi về thôi. Dì cũng chắc chẳng biết được nơi nào khác ngoài con đường từ ga tàu đến nhà, và khu chợ xép ở phía dưới. Thương con mà không biết phải làm răng cả…”

Tiếng của dì nghe đều như đi trên một hàng. Chắc dì đã không còn chỗ để thấy buồn sâu. Tôi nhìn dì lom khom lau dọn mấy thứ, cứ nghĩ, mỗi ngày phải lên xuống mấy tầng lầu để đi chợ, nấu ăn, rồi bồng dỗ con bé ăn cho xong bữa, hẳn dì luôn cố chịu đựng. Nói là chịu đựng vì vốn dì bị bệnh về tim từ lâu, yếu ốm nhất và có lẽ cũng thua thiệt nhất mấy chị em trong nhà. Hồi dì mới đi lao động ở Tiệp về, tôi nhớ vợ chồng dì trông thật đẹp đôi và có một phong cách khác hẳn với quần jean, giày bata gọn gàng khiến mình phải ngó nhìn hoài. Rồi cuộc sống và cơm áo xô đẩy, vợ chồng dì tiếp tục làm công nhân, lương ba cọc ba đồng nên phải làm thêm đủ việc để nuôi con. Giờ hai đứa cũng đã trưởng thành, nhưng gia cảnh vẫn nhọc nhằn khi cô út chưa có việc làm chính thức. Dượng thì đã mất vài năm sau cơn bạo bệnh…

Hỏi chuyện mấy cậu, mấy dì trong nhà, dì có phần hơi ngơ ngác. “Lâu rày dì ít nói chuyện. Anh chị em cũng không thuận lắm. Có khi vì dì cũng ít về, ít gặp nên không tường chuyện. Chị em ngày xưa khác, giờ khác mà con. Ai lo nhà nấy thôi. Chỉ ngày giỗ cha, giỗ mẹ, anh chị em mới có dịp ngồi với nhau một lúc…” Tôi nghe dì nói điều ấy mà thấy chạnh lòng. Nhớ ngày trước, mỗi lần ghé qua, nhà dì vẫn là một hình ảnh mà tôi thấy nhà mình không có khi ông bà và các cậu, dì ở nhà mặt phố, lúc nào cũng đông, vui và gần như cái gì cũng đủ đầy.

Nhìn dì lóng ngóng móc mấy món đồ tôi gửi lên xe rồi trầy trật mãi mới rời đi được, tôi lại thấy nao lòng. Nhớ dì bảo, mai hết tết rồi, dì vào đó với con cháu vài tháng nữa rồi về… Câu của dì cũng lửng vậy, nghe có vẻ mênh mông. Tôi cũng không dám hứa dù bộn bề với ý nghĩ, cố giúp được dì những gì mà mình có thể. Người khó gặp ngoài đường thấy thương, bà con họ hàng thì phần xót xa cứ dềnh dàng mãi…

AN CHI