Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva nói với các phóng viên rằng, tác động của dịch bệnh này trong ngắn hạn có khả năng sẽ mang đến sự giảm tốc. "Về lâu dài, chúng tôi không rõ", kết quả sẽ phụ thuộc vào sự phản ứng đối với loại virus này, bà Kristalina Georgieva nhận định.

Những ảnh hưởng của virus corona hiện đang rõ ràng trong các chuỗi cung ứng. "Chúng tôi chứng kiến một số tác động gián tiếp xung quanh hoạt động sản xuất, các chuỗi giá trị bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn do virus gây ra. Chúng tôi cũng chứng kiến những tác động đến hoạt động đi lại và du lịch", Giám đốc điều hành IMF nói thêm.

Trong một so sánh với lịch sử, bà Kristalina Georgieva chỉ ra dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) xảy ra hồi năm 2003, một dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của gần 800 người, nhưng có "tác động tương đối nhỏ" đối với nền kinh tế.

Đối với dịch bệnh SARS, đã có sự sụt giảm trong tăng trưởng vào những tháng trong và ngay sau khi dịch bệnh được ngăn chặn. Nền kinh tế toàn cầu sau đó đã có sự phục hồi và tăng trưởng trong năm "cuối cùng chỉ thấp hơn 0,1%", theo người đứng đầu IMF.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong nền kinh tế quốc tế so với 17 năm trước.

Nền kinh tế Trung Quốc tại thời điểm xảy ra dịch SARS đã chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong nền kinh tế thế giới. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chiếm 4% nền kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, Trung Quốc chiếm "18% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, và do đó chúng ta đang chứng kiến ​​một quốc gia có ý nghĩa quan trọng hơn trên toàn cầu", bà Kristalina Georgieva lưu ý thêm.

“Tác động rộng hơn và sâu hơn” so với SARS

Trong một động thái liên quan cùng ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Chan Chun Sing cho hay, đợt bùng phát của chủng virus corona mới có khả năng sẽ gây tác động rộng hơn và sâu hơn đối với nền kinh tế thế giới, so với SARS vào năm 2003.

Ông Chan Chun Sing nhận định: "Tôi đã nghe nhiều người so sánh đợt bùng phát của dịch bệnh này với đợt bùng phát SARS cách đây nhiều năm, vào năm 2003. Tôi nghĩ, chúng ta không nên thực hiện kiểu so sánh trực tiếp đó. Năm 2003 so với bây giờ, GDP của Trung Quốc đã tăng khoảng 4 lần. Thương mại của Singapore với Trung Quốc cũng tăng gần 4 lần".

"Chính vì thế, những gì chúng ta cần chuẩn bị về mặt tinh thần là tác động của bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nền kinh tế Trung Quốc và các chuỗi cung ứng có khả năng sẽ là một tác động rộng hơn, sâu sắc hơn nhiều, bởi mối liên hệ với nền kinh tế toàn cầu và chắc chắn là với nền kinh tế Singapore”, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore nói thêm.

Vẫn còn quá sớm để đưa ra một con số về mức độ ảnh hưởng sẽ lớn như thế nào; tuy nhiên, cú sốc mà nền kinh tế Trung Quốc phải hứng chịu sẽ lan đến phần còn lại của thế giới. "Khi phần còn lại của thế giới dần dần thắt chặt kiểm soát biên giới của họ, cũng sẽ có những tác động lớn đến du lịch và những ngành công nghiệp khác, bao gồm cả sản xuất…", theo ông Chan Chun Sing.

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp liên quan đến du lịch, như các đại lý du lịch và lĩnh vực thực phẩm và đồ uống cũng bị ảnh hưởng nặng nề, bởi 80-90% hoạt động kinh doanh của họ đến từ thị trường Trung Quốc.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei & Business Times)