Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Chính trị về sự phát triển của tỉnh. Ảnh: AP

Trước khi có Đảng, các phong trào khởi nghĩa, phong trào yêu nước diễn ra ở nhiều nơi nhưng đều thất bại vì bị đàn áp hoặc không có đường lối đúng đắn, phù hợp đặc điểm của dân tộc.

Những cuộc khởi nghĩa bị đàn áp trong biển máu, phong trào Cần Vương của các sĩ phu yêu nước lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân nhưng đều thất bại. Ngay sau khi  mới thành lập (ngày 3/2/1930), Đảng đã lãnh đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ  Tĩnh, mở đầu cho phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp đó là cao trào 1936  - 1939, 1941 - 1945 với cột mốc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa đến hình thành nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Lúc đó Đảng chỉ có 5 ngàn đảng viên, thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng đã lãnh đạo giành được chính quyền trên phạm vi cả nước. Đảng đã khơi dậy được lòng tin của  mọi tầng lớp nhân dân hướng theo sự lãnh đạo của những người cộng sản.

Giành độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp hất chân Nhật quay lại xâm lược nước ta. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả dân tộc lại bước vào cuộc trường chinh 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ một đội quân thành lập chưa đầy 2 năm, đã xây dựng được một lực lượng đủ sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ.  Niềm vui chưa bao lâu thì Mỹ lại thay chân Pháp can thiệp, thực chất là xâm lược Việt Nam. Cao điểm có hơn nửa triệu quân Mỹ với các loại vũ khí quân sự hiện đại, hàng loạt “chiến lược” được thử nghiệm nhằm chia cắt vĩnh viễn đất nước ta.

Năm 1975, Mỹ cũng bị thất bại thảm hại, buộc phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Lần đầu tiên trên thế giới,  một nước nhỏ đã đánh thắng các đế quốc hùng mạnh và Mỹ là nước duy nhất bị Việt Nam đánh bại. Chiến thắng chính là sự dự báo sáng suốt, lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ trong từng thời điểm. Chiến thắng từ sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và phong trào nổi dậy; chiến tranh nhân dân và ngoại giao quốc tế; đánh địch trên chiến trường và “đánh địch” ngay trên bàn đàm phán; tập trung những đòn quân sự quyết định buộc địch phải chịu chấp nhận thất bại.

Hòa bình, thống nhất đất nước chưa được bao lâu lại bị bè lũ Pol Pốt gây chiến tranh ở biên giới Tây Nam, buộc chúng ta phải nổ súng chống quân xâm lược và cứu nhân dân Cămpuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Tháng 2/1979, Trung Quốc gây chiến tranh, kéo hơn nửa triệu quân xâm lược biên giới phía Bắc. Mặc dù bị đánh cho thiệt hại nặng nề buộc phải rút quân, nhưng cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc còn kéo dài thêm hơn 10 năm sau đó. Như vậy, trong thế kỷ XX, cả đất nước suốt chiều dài từ Bắc chí Nam đều phải hứng chịu chiến tranh tàn phá, hủy diệt.

Sau chiến tranh, đất nước phải hứng chịu hậu quả vô cùng nặng nề từ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ, bị cô lập quan hệ với bên ngoài, nền kinh tế bị kiệt quệ sau chiến tranh. Nhiều năm cơ chế kinh tế thời chiến và tập trung quan liêu bao cấp đã làm cho Việt Nam ở đáy vực sâu của nghèo khổ: Hậu quả chiến tranh, kinh tế không phát triển, lạm phát  gần 800% đã làm cho đất nước vốn đã nghèo  lại chồng chất thêm muôn vàn  gian khổ. Đời sống xã hội thiếu thốn đủ bề, cùng với sự kích động của bên ngoài dẫn đến hàng triệu người vượt biển hoặc tìm cách tìm đường ra nước ngoài, hàng loạt tổ chức phản động chống đối hình thành đã làm cho xã hội vốn chưa ổn định lại càng chồng chất khó khăn hơn nữa. Đại hội VI của Đảng  (1986) đã chỉ ra đường lối, mở ra vận hội mới phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam. Cũng từ đây, Việt Nam mở ra quan hệ rộng rãi với các quốc gia với phương châm: Việt Nam là bạn với các nước trên thế giới. Từ đó đã mở ra những bước phát triển mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những gian truân, hiểm nghèo tưởng chừng khó vượt qua; những khó khăn, yếu kém không dễ khắc phục nhưng Việt Nam đã vững vàng từng bước vươn dậy. Từ một nước mờ nhạt trên bản đồ thế giới đã trở thành một nước có vị trí cao trên cộng đồng quốc tế. Từ một nền nông nghiệp yếu kém phải nhập khẩu lương thực, nhận viện trợ từng hạt gạo đã trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Từ một nước nghèo đã vươn lên trở thành nước phát triển trung bình, tăng trưởng GDP hàng năm ở trong tốp 10 nước cao nhất thế giới...

Còn rất nhiều thành tựu nổi bật khác mà Việt Nam đã làm được sau hơn 30 năm đổi mới. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay...”. Đó không chỉ là lời nói mà thực tế đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Những thành tựu đó không tách rời sự lãnh đạo tài tình của Đảng trong chiến tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH