Khoản 3 điều 20 Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật…”. Điều 33 Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2005 quy định: “Cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học…”. Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác (LHLGMBPCTNVHLX), tại Điều 5, quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Tất cả các quy định trên được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; như vậy, việc tự nguyện hiến các bộ phận cơ thể (trong đó có hiến thận) đã được pháp luật quy định rất rõ ràng, không cần bàn thêm nữa.

Điều cần trao đổi là nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại (Điều 4) và cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác (Điều 11) LHLGMBPCTNVHLX, hiểu thế nào cho đúng để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc hiến, nhận các bộ phận cơ thể mà không vi phạm pháp luật.
Hoạt động thương mại bao gồm mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi. Đường dây buôn, bán thận nói trên mua thận của một người 150 triệu, nhưng người cần ghép thận phải trả cho những kẻ môi giới này đến tiền tỷ (số tương đối). Họ lấy quá nhiều tiền của người bệnh, họ đã hoạt động vì mục đích sinh lợi, và rõ ràng họ đã vi phạm cả nguyên tắc không nhằm mục đích thương mại và cả điều cấm của LGMBPCTNVHLX hiện hành.
Nhưng trong thực tế không ai tự nhiên đi hiến một bộ phận cơ thể của mình cho một người không họ hàng, quen biết, để chỉ nhận lại quyền lợi: được chăm sóc, phục hồi sức khỏe tại cơ sở y tế; được khám sức khỏe định kỳ; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…(ngoại trừ người thân thích) theo quy định tại Điều 17 LHLGMBPCTNVHLX. Chỉ có thể có người chấp nhận hiến một bộ phận cơ thể của mình cho một người khác, ngoài những điều được hưởng theo quy định của pháp luật như trên, thì họ phải nhận được một khoản giá trị tương ứng cho việc đánh đổi sức khỏe của mình. Đó không gì khác hơn là một khoản tiền mà người bệnh tự nguyện chi ra để đổi lấy cuộc sống, sức khỏe. Đề cập đến việc nhận tiền và chi tiền trong việc hiến và nhận bộ phận cơ thể, nên hiểu rằng hoàn toàn không vi phạm nguyên tắc “nhằm mục đích thương mại” (sinh lợi cho người mua và người bán), lại phù hợp với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận như qui định của Bộ Luật Dân sự. Có như vậy mới động viên được nhiều người tham gia các chương trình hiến một bộ phận cơ thể để cứu sống người bệnh.
Ở Việt Nam đã có Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, nhưng do cơ chế ràng buộc bởi pháp luật như trên; mặt khác, do hiểu máy móc về việc hiến và nhận bộ phận cơ thể với việc tự nguyện hỗ trợ thích đáng của người bệnh đối với người hiến là hành vi mua bán, vì mục đích thương mại, nên chẳng cơ quan nào dám đứng ra làm tổ chức trung gian cho việc hiến, nhận có tự nguyện hỗ trợ. Nhu cầu nhận bộ phận cơ thể là rất lớn, mà người muốn hiến cũng nhiều, nhưng không có nơi để thực hiện. Vì vậy, nhiều người Việt Nam phải sang Thái Lan nằm chờ bán thận (Theo Báo Tuổi Trẻ). Trong khi đó, nhiều người phải đi nước ngoài để được ghép thận với chi phí cao gấp nhiều lần trong nước. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều đường dậy mua bán tạng hình thành. Cũng do nhu cầu được sống nên bệnh nhân chấp nhận chi tiền dù biết mình có thể là đồng phạm của đường dây phạm tội.
Để cho việc hiến, nhận hiến bộ phận cơ thể đúng quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích được người tham gia các chương trình hiến bộ phận cơ thể, theo tôi: Nhà nước nên giao cho các cơ sở y tế nơi có năng lực ghép tạng đã được Bộ Y tế thẩm định và cho phép, đứng ra tổ chức tiếp nhận hiến các bộ phận cơ thể. Các cơ sở y tế nghiên cứu mặt bằng chi phí cho một ca ghép tạng trên phạm vi khu vực ASEAN, chủ động đặt ra mức chi phí hợp lý cho một ca ghép tạng tại cơ sở mình. Đối với khoản tiền tự nguyện của người bệnh phải trả, sau khi trừ toàn bộ các chi phí cần thiết cho một ca ghép tạng, thì số tiền còn lại ưu tiên hỗ trợ cho người hiến bộ phận cơ thể 2/3, 1/3 còn lại chi cho những người tham gia tổ chức, chỉ đạo và trực tiếp ghép tạng, để khuyến khích, động viên đội ngũ thầy thuốc giỏi. Lưu ý: cần phải tính toán sao cho người hiến bộ phận cơ thể được hỗ trợ gấp đôi hoặc gấp ba lần số tiền mà đường dây mua bán đã trả cho họ.
Với những ý kiến trên, tôi mong góp tiếng nói để các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tạo được cơ chế thông thoáng cho các cơ sở y tế chủ động thực hiện chức trách trị bệnh cứu người và pháp luật cũng được thượng tôn.
Hồ Viết Tư - Phó giám đốc Sở Tư pháp