Ảnh minh hoạ: Reuters

Trong một báo cáo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trụ sở tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ cho biết, những quốc gia này tập trung nguồn lực hạn chế của họ vào việc chống lại các căn bệnh truyền nhiễm và cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thay vì chống ung thư.

Báo cáo nói thêm, những quốc gia này cũng thường có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất.

"Đây là một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, để giải quyết sự bất bình đẳng không thể chấp nhận ở các quốc gia giàu và nghèo", ông Ren Minghui, trợ lý của Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

"Nếu mọi người có khả năng tiếp cận các hệ thống chăm sóc và giới thiệu cơ bản thì ung thư có thể được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và chữa khỏi. Ung thư không phải là bản án tử hình cho bất cứ ai, ở bất cứ đâu", ông Ren Minghui nói thêm.

Báo cáo của WHO được công bố vào Ngày Ung thư Thế giới (4/2) cho biết, một khoản đầu tư trị giá 25 tỷ USD trong thập kỷ tới sẽ có thể cứu được 7 triệu người khỏi bệnh ung thư.

Trong một động thái liên quan, ông Andre Ilbawi, thuộc bộ phận quản lý các bệnh không lây nhiễm của WHO lưu ý: "Kiểm soát ung thư không cần phải tốn kém".

Báo cáo hàng năm cho thấy, tổng số các trường hợp mắc ung thư trên thế giới sẽ tăng 60% đến năm 2040, việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 25% ca tử vong do ung thư.

Bà Elisabete Weiderpass, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế cho hay, điều trị ung thư tốt hơn ở các quốc gia có thu nhập cao đã giúp làm giảm 20% tỷ lệ tử vong trong giai đoạn 2000-2015. Tuy nhiên, ở những quốc gia nghèo hơn, mức giảm này chỉ đạt 5%.

"Mọi người cần được hưởng lợi như nhau", bà Elisabete Weiderpass khẳng định.

Theo báo cáo nói trên, cứ 5 người thì có 1 người trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với chẩn đoán ung thư trong cuộc đời. "Đây là một gánh nặng toàn cầu", ông Ren Minghui lưu ý thêm.

Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)