Hơn 2.400 suất cơm chay đã được phát

Có mặt ở quán vào lúc 10 giờ sáng, chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của các thành viên trong gia đình anh Thành. 6 nhân lực, người hối hả xào nấu, người sửa soạn hộp, người xới cơm.... Anh Thành cho biết: “Đúng 10 giờ 30, chúng tôi sẽ phát cơm. Thời gian thường kéo dài cho đến 12h. Những phần cơm chay sẽ được ưu tiên cho người bệnh (cách quán vài trăm mét là Bệnh viện Phục hồi Chức năng tại đường Tô Hiến Thành), người lao động nghèo”.

Là cơm chay miễn phí, song mỗi suất ăn được sơ chế, nấu nướng rất chu đáo, ngon miệng. Người đến có thể ăn ngay tại quán hoặc mang về. Thực đơn thức ăn đa dạng, gồm có ba món chính, hai món xào và canh. Chị Trần Thị Phương Thảo, người nấu chính (cũng là thành viên trong gia đình) cho biết: “Do quán có bán phở nữa nên từ 9 giờ sáng, các thành viên mới nấu cơm chay. Nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần xào, nấu nên sau 1,5 giờ thì thức ăn đã sẵn sàng”.

Mỗi đợt phát cơm, ngoài đảm nhận các món chính, chị Thảo còn nấu 30kg gạo. Quen với công việc bận rộn, chị chỉ cười khi chúng tôi hỏi về thời gian nấu áp lực: “Mình vất vả quen rồi, nhìn mọi người háo hức nhận cơm là bao mệt nhọc tan biến cả”.

Mong muốn giúp đỡ những gia cảnh khó khăn đã ấp ủ từ lâu, được sự hỗ trợ của một người thân, anh Thành cùng gia đình đã có thêm động lực thực hiện việc tốt. “Ban đầu gia đình định làm tầm 150 hộp cơm. Sau đó, thấy nhu cầu của mọi người rất cao, những bác xe ôm, xích lô, các chị thu mua phế liệu, bán vé số nhiều lúc đến thì đã hết cơm nên gia đình quyết tâm tăng gấp đôi phần cơm sẽ phát”, anh nói.

Đúng giờ phát cơm, những người lao động nghèo, bệnh nhân đến nhận cơm rất đông. Bà Trần Thị Hường, 68 tuổi, một cánh tay còn băng bó chia sẻ: “Gia đình tôi đã khó khăn, lại không may bị tai nạn gãy tay. Biết đến quán có phát cơm chay miễn phí nên tôi vui lắm. Giờ tôi nhận hai phần cơm, một của tôi, một của người thân, vậy là hôm nay yên tâm, mừng lắm rồi”.

Cạnh bà Hường là ông Dũng, làm nghề xích lô lâu năm. Thay vì mang về, ông vui vẻ ăn cơm ngay tại quán: “Ăn cơm vừa để có sức làm việc, vừa là thời gian nghỉ ngơi của tôi. Tôi rất vui vì được ân cần chia sẻ, bữa cơm giản dị nhưng rất quý giá”.

Sự đặc biệt của phần cơm không nằm ở nguyên liệu, cách nấu. Nó đặc biệt còn vì một điều đáng quý. Trong giờ phát cơm, anh Thành đã mang hàng chục suất đến khu vực chợ Đông Ba, bệnh viện, trao tận tay những bệnh nhân, người lao động nghèo đang vất vả mưu sinh.

Cạnh gia đình có 6 thành viên đang tất bật với công việc, chúng tôi bất ngờ vì sự xuất hiện rất kịp lúc của thành viên không thuộc gia đình anh Thành, đó là chị Hoàng Thị Kim Phượng. Ngay từ lần phát cơm đầu tiên, nhìn các thành viên bận rộn, chị Phượng đã tình nguyện phụ giúp và gắn bó với việc phát cơm chay miễn phí. Đó là sức mạnh kì diệu của tình yêu thương, san sẻ và gắn kết những tấm lòng nhân ái.

Bài, ảnh: Mai Huế