Bên kia hàng rào, vườn nhà bên bác hàng xóm đang nhổ rau cho buổi chợ sáng. Ngọn đèn dầu năm cũ mà tôi vẫn thường được thấy bây chừ đã được thay bằng một ngọn đèn điện đeo trước trán, tiện lợi hơn và cũng sáng hơn cho người làm vườn.

Tôi tản bộ xuống ngã ba đầu xóm, nơi con đường chính của làng ngang qua, rồi đi bộ xuống cánh đồng làng. Xuân dường như chưa qua nên cũng chỉ lác đác vài người đi chợ. Yên ả và thân quen quá từ những giọt sương mai trên những chiếc võng nhện giăng trên ruộng lúa, tiếng cá quẫy lách tách dưới khe, dáng lom khom của ai bên vườn rau... Gặp người O bà con đẩy xe hàng xén xuống đường mở quán, tôi mở lời chào. O ngạc nhiên: "Thằng Tân hả con, nhìn từ xa răng giống ba con quá!".

Trở về nhà thấy chú em đã pha sẵn bình trà. Nhấp chén trà ấm thơm trong chút se lạnh ban mai, nhìn mấy nụ mai muộn đang cựa mình trong màn sương mỏng cứ ngỡ mình đang trở lại với một cái tết quê năm nào...

Có một sự thật là có người đang cố gắng tìm lại những mùa tết cũ. Những cái tết mà cây mai gầy trước sân vừa đủ vàng hoa, nồi bánh tét bánh chưng vừa đủ cúng cấp, rượu vừa đủ nhấp còn bia là xa xỉ. Cả những cuộc vui cũng vừa đủ ý vị. Những bước chân du xuân vừa đủ nhẹ để kịp nói lời thân ái năm mới chúc nhau... Những cái tết không có âm thanh hết cỡ của những dàn karaoke hát một nhà nghe cả xóm; không có những cuộc họp mặt mà chỉ biết cụng ly và uống xong rồi không biết nói chuyện chi ngoài chuyện đứa ni giàu, đứa khác nghèo...

Tôi chia tay tết làng bằng một cuộc vui với các bạn thanh niên trẻ của xóm. Ở đó tôi ngồi mâm với các bác, các chú lớn hơn hoặc bằng tuổi ba tôi và cũng được gọi là bác trong xóm; ở đó tôi thấy thoải mái vô cùng vì có nhiều chuyện để nói mà không khách sáo, dè chừng chi cả.Tôi chợt nhận ra rằng, chỉ cần ngồi lại với tình quê là có tết...

Những ngày sau tết, dạo bước trên những con đường vắng của Huế, gặp những cây hoàng mai trổ muộn bên vườn nhà ai thấy ấm áp quá chừng. Hôm rồi, xuống khu phố cổ Gia Hội, gặp những cây mai cổ thụ cao vút cũng đang trổ hoa vàng. Tôi đã thấy nhiều cây mai cổ, nhưng chưa bao giờ thấy được những cây hoàng mai ngưng bóng thời gian ấn tượng đến thế.

Ba cây hoàng mai trước một ngôi nhà rường mà chủ nhân đã đi vắng từ lâu. Đó là giống hoàng mai vườn chính hiệu Huế, gốc sần sùi, hoa vàng rực, hương thơm bay xa mà theo lời kể của những người trong khu phố, đó là những cây mai chứng nhân chừng đã trăm năm xuân, làm ai đến đây cũng phải ngước nhìn trầm trồ…

Sáng nay, ngang qua Cửa Hữu phía bên Thành Nội, lại thấy một cây mai vàng đang trổ hoa trên mái nhà. Cây mai này như chui từ mái nhà lên bởi quanh nó là những ngôi nhà tạm bợ san sát, chen chúc nhau bên ven Hộ thành hào của kinh thành Huế xưa. Khá khen cho chủ nhân của cây mai này, cho dù hoàn cảnh sống phải vất vả, chật chội nhưng vẫn dành cho hoa mai một không gian để sống và để dâng hiến hương sắc cho đời, cho người.

Nghe tôi kể chuyện những cây mai nở muộn, một người bạn cũng góp vui: Mai muộn cũng có khoảnh khắc đẹp của riêng nó, hôm qua cây mai nhà mình cũng mới nở nụ hoa đầu tiên, nhìn cũng thấy thích thích và có cảm giác rất lạ, vì nó nở sau tết nên mới có thời gian rảnh để ngắm mai, chứ tết thì nhà mình bận bịu quá có thời gian đâu mà hoa với quả…

Đã thấy một cái tết nữa đi qua khi thấp thoáng trên đường chở những chậu mai kiểng về lại vườn ươm, thấy những cành đào và cả những chậu cúc ngổn ngang trên vỉa hè. Đón con tan trường ngang qua đường Tố Hữu, thấy một ni cô đang bẻ những bông cúc còn tươi từ hai cây cúc của nhà ai đó bỏ đi sau tết, định dừng xe lại chụp cái ảnh nhưng lại ngại mình sẽ  làm mất đi một cử chỉ đẹp.

Đi qua rồi lại thấy tiếc cái khoảnh khắc tri kỷ hoa đáng trân quý của bậc tu hành. Những đầu năm, chắc rằng những bông cúc đó lại một lần nữa được tỏa hương, nhuận sắc ở chốn thiền môn trang trọng. Đâu chỉ con người mà  đôi lúc hoa cỏ cũng gặp được duyên lành là thế…

Phi Tân