Sự trở lại của áo dài với trẻ thơ hôm nay đem đến thật nhiều tin yêu. Ngắm trẻ thơ mặc áo dài, tôi luôn cảm thấy lòng mình ấm sáng lên như đứng trước một vườn đời rực rỡ.

Hành trình trở về của áo dài trẻ thơ bắt đầu từ đâu? Sẽ có nhiều câu trả lời. Nhưng với tôi, trước hết, tôi biết ơn nhiều lắm với những người trẻ hôm nay. Những phụ huynh trẻ - những ông bố bà mẹ lớn lên trong cuộc sống hoà bình của dân tộc mình. Họ được sống qua thời kỳ ăn no mặc đủ, họ bước vào thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Và một trong những trang phục đẹp nhất dành cho con em mình ngày tết, họ chọn áo dài - Quốc phục. Cùng với các bậc phụ huynh, đóng góp này chính là sự chuyển mình của môi trường giáo dục.

Trước tết, tại các trường mầm non, khắp nơi nơi đều đặc sánh một không khí tết Việt truyền thống: Những cặp bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ... đến tất cả các loại bánh mứt truyền thống, đều được bày ra muôn sắc dưới những đôi bàn tay khéo léo, tảo tần của các cô bảo mẫu. Những câu hát đồng dao trở về trên môi trẻ thơ, như cánh cò trên những cánh đồng, trên những lũy tre làng đang trở về ngay trong lòng thành phố. Tôi luôn muốn được đi đón các cháu của mình ở những trường học khác nhau, để được đắm mình trong sắc mai vàng và không khí sánh đặc niềm vui hồn hậu như cổ tích ấy!

Thật cảm ơn đời vì cuộc sống hiện đại đậm hồn dân tộc mà con cháu chúng ta được hưởng hôm nay. Anh bạn tôi, người già gốc quê, rưng rưng khi thấy cháu mình được mặc áo dài như hoàng tử trong vườn trẻ. Gần tết, cả hai ông bà “tiếm quyền” các con, ngày nào cũng đi đón cháu vì lẽ ấy. Niềm vui của tuổi già thật giản dị mà sâu xa, khó nói hết bằng lời! Bên cạnh đó, cũng nên phải kể đến những người thợ khéo tay may áo dài cho trẻ, đó là những tà áo dài quá đỗi dễ thương. Nhiều kiểu, nhiều loại giá khác nhau, nhưng khi các cháu mặc vào là đều rất đẹp, không phân biệt đẳng cấp. Tất cả thành một vườn hoa xinh, lung linh muôn sắc hương.

Sự lựa chọn này chính là sự lớn lên trong nhận thức. Nhận thức được việc giữ gìn áo dài truyền thống chính là giữ gìn bản sắc dân tộc của cả xã hội. Và, đặc biệt là bậc phụ huynh Việt trẻ khả kính hôm nay. Bởi trên hết, đó là tình yêu Tổ quốc.

Tôi đã từng mơ ước khắp xứ Huế quê hương tôi, áo dài hiển hiện trong đời sống thường nhật (có thể cách tân cho phù hợp).

Lại dâng tràn cảm giác hạnh phúc khi nghe dân tình truyền miệng rằng vị Chủ tịch tỉnh mới tuyên ngôn rằng, cùng với thành Huế xanh sạch đẹp, bốn mùa hoa, là... áo dài cho tất cả!

Mong sao giấc mơ này cho thành phố đẹp tươi, giống như con đường  nơi bờ Bắc sông Hương - con đường ven sông xuyên rừng trong phố - đã hiển hiện. Và, không bao lâu nữa sẽ nở đầy cỏ hoa cho một câu chuyện cổ tích có thật ở Huế!

Áo dài trong tôi là Quốc huy, là lòng tự trọng, tự tôn dân tộc. Đó là thứ hàng hiệu vô giá trong tim mỗi người Việt, đã và sẽ toả sáng từ những trầm tích của lòng yêu Tổ quốc.

Áo dài cho trẻ thơ.

Áo dài cho người Huế.

Áo dài cho cuộc sống thường nhật của người dân quê tôi.

Đó không chỉ là trang phục mà hẳn rằng, đó còn là phẩm hạnh, là văn hóa…

TRIỀN THẢO