Du khách đeo khẩu trang tham quan Huế. Ảnh: PN

Cũng phải thôi, vì đó là phản xạ tự nhiên của bản năng sinh tồn, là kinh nghiệm qua những hoạn nạn của đời sống. Là con người, ai cũng lo sợ trước sự đe dọa của bệnh tật, và nhất là những bệnh dịch mới xuất hiện mà y tế thế giới chưa kịp tìm ra giải pháp ngăn chặn.

Lo lắng là cần thiết, để hình thành ý thức tự vệ trước mối đe dọa nguy hiểm. Nhưng lo sợ đến mức hoang mang, suy sụp, thì không nên. Lo sợ đến mức đổ xô chạy mua khẩu trang, thuốc men, lương thực... để dự phòng cho cả một thời gian dài, lo đến mức không dám ra đường, đến nơi làm việc, thì quả là... đáng sợ cái nỗi lo sợ này.

Chính nỗi hoang mang đó là mảnh đất cho tin đồn thất thiệt lan truyền, và đến lượt tin đồn đó tiếp tục tạo nên nỗi hoang mang khác. Đó là cơ hội để những kẻ gian thương trục lợi, tăng giá khẩu trang, thuốc men, thức ăn, và hạ giá nông sản, hàng hóa do người dân sản xuất ra, nhất là hàng hóa xuất nhập khẩu. Những kẻ trục lợi tâm linh lợi dụng để gieo rắc mê tín, dị đoan, làm cho tâm trí người dân tê liệt, và thu lợi.

Vì vậy, lúc này người dân rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn, và những người tử tế. Họ cần có thông tin chính xác, minh bạch và đầy đủ về diễn biến bệnh dịch, không quá nhiều để lại sinh ra lo lắng, nhưng cũng không quá ít để lại hoang mang. Họ cần sự hướng dẫn của cơ quan y tế và các bác sĩ, một cách dễ hiểu, dễ thực hành, để hiểu biết rõ về bệnh dịch và cách thức tự bảo vệ mình. Họ cần những trái tim sẻ chia và những bàn tay nắm chặt, để vững tin cùng vượt qua thử thách này.

Người dân ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình khi đến chỗ đông người

Lịch sử thế giới mấy ngàn năm đã ghi nhận biết bao trận dịch bệnh từng diễn ra trong quá khứ như dịch hạch, dịch tả, dịch lao... Và khủng khiếp hơn bây giờ rất nhiều, do y học bấy giờ còn rất yếu. Tài liệu của y tế thế giới đã ghi nhận: dịch Ebola xảy ra năm 1976 gây bệnh cho 33.000 người với tỷ lệ tử vong 40%, dịch SARS năm 2002-2003 khiến 8.000 người nhiễm bệnh với tỷ lệ tử vong 7% - 9%, dịch MERS năm 2012 khiến khoảng 2.500 người nhiễm bệnh với tỷ lệ tử vong khoảng 34%. Các chuyên gia y tế thế giới đã xác định rằng, dịch bệnh không phải là sự bất thường hiếm gặp trong lịch sử, mà nó đã là một phần của cuộc sống.

Lịch sử cũng cho thấy thêm một điều tất yếu khác, cứ hễ xuất hiện một căn bệnh mới, một dịch bệnh lây truyền, thì con người cũng sẽ tìm ra phương pháp điều trị và khống chế được nó. Dù lúc này dịch bệnh cúm Corona vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa biết được kết cục sẽ ra sao, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các quốc gia, sự quyết tâm cao độ của các chuyên gia y tế, trong bối cảnh y học thế giới đã tiến bộ vượt bậc, tin rằng dịch bệnh Corona cũng sẽ bị chặn đứng và đẩy lùi. Cuộc chiến đấu với dịch hạch, dịch tả trong quá khứ, và mới đây là dịch SARS đã cho ta niềm tin đó!

Cho đến lúc này, các nhà khoa học đã giải mã xong toàn bộ hệ gen của virus Corona. Theo BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội, như một trận đánh, khi đã biết rõ địch là ai thì chắc chắn sẽ tìm ra phương pháp chống lại và tiêu diệt chúng. Và những diễn biến mới cho thấy điều đó đang đúng như thế. Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nhật Bản đã nuôi cấy và cô lập thành công chủng virus Corona mới, bắt đầu quá trình phát triển văcxin phòng ngừa, thuốc chữa trị và thiết bị chẩn đoán nhanh virus Corona. Chuyên gia của các nền y học lớn trên thế giới vẫn đang ngày đêm chiến đấu với virus Corona chủng mới này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã tuyên bố Trung Quốc hoàn toàn tự tin sẽ thắng trong cuộc chiến chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra.

Cuộc sống đã cho ta thấy bệnh tật, hoạn nạn không còn là điều gì xa lạ, nó là những biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, cuộc sống cũng dạy ta bài học: đừng lo sợ! Hãy đối diện với biến cố để không lo sợ. Đối diện với chính mình để rời xa lối sống dễ gây ra bệnh tật, và điều chỉnh những suy nghĩ, những hành vi khiến cho hoạn nạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Huế là một thành phố xanh tươi, trong lành, đó là sức đề kháng của cộng đồng trước mọi sự tấn công của biến thái từ môi trường suy thoái. Huế ở không gần với vùng phát sinh dịch bệnh Corona, nhưng cũng ở không xa với nguy hiểm nếu chủ quan.

Vâng, chủ quan và lo sợ, đều là những virus nguy hiểm hơn cả Corona!

Bài: MINH DÂN - Ảnh: MINH KIỆT