Câu hỏi đặt ra là tại sao sai phạm liên quan đến trách nhiệm thường là lãnh đạo cấp trưởng hoặc người giữ vai trò chính trong một lĩnh vực nào đó? Đặt vấn đề như vậy để nhìn thẳng vào vấn đề về  kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý trách nhiệm cá nhân  đối với người chịu trách nhiệm chính trong cơ quan đơn vị. Mức xử lý của chúng ta nhiều việc còn quá nhẹ, chưa kết hợp giữa xử lý về danh dự, chính trị với xử phạt bằng vật chất, hình sự nên  chưa đủ sức răn đe. Khi thành công thì thủ trưởng giành thành tích, nếu thất bại thì đổ lỗi cho tập thể, cho người khác gần như đã được mặc định. Rõ nhất là thiếu dân chủ trong chỉ đạo và tập trung quyền lực cho cấp trưởng nhưng lại chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ dẫn đến lạm quyền. Nhiều nơi cấp trưởng lợi dụng quyền hạn để chỉ đạo, phân công  cho cấp dưới không đúng quy định, trái với nguyên tắc quản lý, không tuân thủ quy định. Những công việc khó khăn, phức tạp, đáng lẽ cấp trưởng phải đảm nhiệm nhưng lại đẩy cho cấp phó giải quyết. Dĩ nhiên khi không hoàn thành  hoặc  làm sai thì cấp dưới phải chịu trách nhiệm. Sai phạm không chỉ trong chỉ đạo mà cả trong phê duyệt công văn, ký văn bản phát hành. Chuyện mang tính tiếu lâm đại thể như: “Cậu ký đi tớ chịu”. Kiểu này rất đúng trong vụ Mobifone mua cổ phần AVG khi mà Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giao (hoặc buộc) Thứ trưởng Trương Minh Tuấn  ký văn bản không đúng thẩm quyền.

 Khi xảy ra “sự cố” thì cấp trưởng đổ lỗi cho cấp phó, cho tham mưu, dù đã có chỉ đạo của chính mình. Nếu bị sai, bị vi phạm hiếm khi thủ trưởng dám thẳng thắn, tự giác nhận thiếu sót, khuyết điểm mà viện lý do để tránh trách nhiệm, chạy tội. Trong các văn bản kết luận thanh tra, kiểm tra hay trong các văn bản kết luận thường thấy xuất hiện cụm từ “buông lỏng”, nhưng thực chất không hẳn đã buông lỏng mà có ý đồ cá nhân. Cái chúng ta gọi là “buông lỏng” chỉ là cách nói theo luật, thực ra biết sai nhưng họ cố tình làm trái vì lợi ích cá nhân, đẩy trách nhiệm cho cấp dưới.

Nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, Nhân dân làm chủ” được xem là cơ chế khoa học của Đảng nhưng dễ bị nhầm lẫn giữa lãnh đạo, quản lý với thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ của Đảng. Trong các cơ quan, lãnh đạo đều nằm trong cấp ủy hoặc bí thư, đó là thuận lợi cho thực hiện nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có biểu hiện không đúng, thiếu rõ ràng trong cơ chế  trách nhiệm giữa thủ trưởng và bí thư cấp ủy. Nghị quyết cấp ủy đề ra thì thủ trưởng phải tổ chức thực hiện, nhưng có khi lại làm theo chủ quan của mình. Đặc biệt là lấn át quyền hạn, trách nhiệm của bí thư, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến lợi ích cá nhân. Điều đó cũng dễ hiểu vì trách nhiệm chuyên môn thường gắn với chức năng quản lý nhà nước, thành công hay thất bại đi đôi với trách nhiệm của thủ trưởng. Từ đó dễ lợi dụng danh nghĩa trách nhiệm hành chính thay cho vai trò lãnh đạo của cấp ủy hoặc bí thư. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra trong cơ chế ràng buộc trách nhiệm cá nhân phải được cụ thể hóa rõ ràng hơn trong các văn bản của Đảng và chính quyền. Ở nhiều nơi thực hiện nguyên tắc phê bình bị xem nhẹ, cán bộ, đảng viên “sợ” cấp trên đã làm cho quyền lực của lãnh đạo dễ bị lạm dụng quá mức. Mới đây, cả một tập thể từ Thường trực  Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa bị kỷ luật cách chức  là có nguyên nhân như vậy.

Những năm trước có nhiều vấn đề tồn tại, vi phạm nhưng ít được xử lý hoặc không có chế tài xử lý. Đó là  hệ quả dẫn tới từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến nay, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu bị kỷ luật nhiều như vậy.

Năm 2018, Ban Bí thư đưa ra chủ đề về vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng là xuất phát từ thực tế đó. Trong các văn bản của Đảng, chính quyền đã quy định rõ hơn về trách nhiệm và chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Quy định trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao đã xác định những vấn đềnêu gương của cán bộ, đảng viên. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 "Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” đã chỉ rõ về quyền lực gắn với trách nhiệm. Mặc dù các quy định chưa bao trùm được hết mọi góc khuất nhưng đã phần nào xác định rõ quyền lực cá nhân phải được gắn với trách nhiệm của người lãnh đạo khi có vi phạm xảy ra.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ rõ: “Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”. Như vậy, quyền lực của lãnh đạo phải được gắn chặt với trách nhiệm cá nhân trong mọi hoạt động. Có như vậy mới chống được tiêu cực, tham nhũng, “buông lỏng” của lãnh đạo, người đứng đầu.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH