Tiêu độc khử trùng khu vực chợ gia cầm

Nguy cơ cao

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước có một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 (chưa qua 30 ngày) tại tỉnh Quảng Ninh. Bộ NN&PTNT đã lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố với 3.966 mẫu gộp từ 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm. Kết quả, tỷ lệ dương tính với vi rút cúm A là 37,72%, trong đó, dương tính với cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%.

Ngày 3/2, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, tổ chức tiêm phòng vacxin cho ít nhất 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc diện tiêm phòng. Các địa phương tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Chủ động phòng dịch

Do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn toàn tỉnh giảm sút chỉ còn khoảng 140.000 con. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, ngành nông nghiệp chủ trương khuyến khích chăn nuôi gia cầm làm thực phẩm thay thế. Theo đó, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tăng nhanh, hiện có khoảng 3.985 nghìn con, tăng 31,4%, so với năm 2018, trong đó, tổng đàn gà có 3.248 nghìn con, tăng 47,2%. Chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà khá thuận lợi giá ổn định; công tác tiêm phòng, vệ sinh môi trường chăn nuôi được chú trọng nên dịch bệnh không xảy ra...

Ông Võ Văn Tú, phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy có 3 trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn, mỗi năm xuất chuồng hơn 150.000 con gà.

“Trước thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số địa phương, gia đình tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà nhằm tăng sức đề kháng, tiến hành tiêm phòng cho toàn bộ đàn gà. Khu vực chăn nuôi được cách ly hoàn toàn với khu dân cư. Chúng tôi luôn định kỳ hàng tuần phun tiêu độc khử trùng, hạn chế người ra vào nên quá trình nuôi đảm bảo an toàn”, ông Tú chia sẻ.

Ngoài tiêm phòng hạn chế dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo từ con giống chính là giải pháp đẩy lùi dịch bệnh.

Tại nhà máy ấp trứng 3F Việt, gà con 1 ngày tuổi được thực hiện chủng ngừa 2 loại vacxin là Marex và ND Killed. Việc chủng ngừa hai loại này giúp giảm thiểu tình trạng dịch bệnh xảy ra trên gà trong thời gian 5 tháng, đảm bảo quá trình chăn nuôi an toàn. Nhà máy đang đầu tư giai đoạn hai, nâng công suất lên 600.000 gà giống/tháng, đáp ứng nhu cầu giống tại chỗ cho người chăn nuôi trong năm 2020.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh gồm: 2 cơ sở chăn nuôi lợn giống được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn; 2 cơ sở chăn nuôi gà giống được công nhận an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 1 cơ sở chăn nuôi gà giống được công nhận an toàn dịch bệnh cúm gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, để chủ động phòng chống dịch bệnh, chi cục đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống, phối hợp chính quyền địa phương, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã triển khai công tác chỉ đạo thực hiện tiêm phòng đồng bộ, giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, thông tin, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh xảy ra. Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Kết quả trong vụ đông đã tiêm phòng cúm gia cầm đạt tỷ lệ 80%, dịch tả vịt 93%… Công tác giám sát hoạt động vận chuyển động vật qua địa bàn cũng được kiểm soát tốt tại 2 chốt phía bắc và phía nam.

Trong tháng 2 này, chi cục sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vụ xuân cho đàn vật nuôi, tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn tỉnh vừa hạn chế dịch tả lợn châu Phi, vừa dự phòng các loại bệnh khác trên gia súc, gia cầm không để xảy ra dịch chồng dịch.

Ông Hưng nhấn mạnh, trong tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, chúng tôi khuyến khích các trang trại nên xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và thực hành chăn nuôi tốt. Người chăn nuôi phải chủ động thông báo với thú y và địa phương khi tiến hành nuôi và phát hiện dấu hiệu bất thường của đàn vật nuôi để có thể lấy mẫu bệnh, kiểm tra và phát hiện bệnh, từ đó có phương án xử lý kịp thời, tránh trường hợp bệnh lây lan, bùng phát.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH