Theo đó, đối tượng được xét tặng là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian.


Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho những người có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng cho những người có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hoá phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật. Đây cũng phải là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tuỵ với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể.

Hồ sơ đề nghị xét tặng gồm: Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể gồm: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu khác liên quan.

Cá nhân đề nghị xét tặng tự mình hoặc uỷ quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng và gửi 6 bộ hồ sơ tới Sở VH-TT&DL từ nay đến ngày 25/10/2014. Các địa phương, tổ chức liên quan sẽ hỗ trợ làm hồ sơ. Thời gian Hội đồng cấp tỉnh gửi hồ sơ lên Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ chậm nhất là ngày 25/12/2014.

Sau khi xét chọn, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ sẽ gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp Nhà nước.

Tin: Minh Hiền - Ảnh: Võ Nhân