Học sinh Trường THPT Gia Hội làm quen với mô hình lớp học thông minh 

Em Trần Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Hội cho hay:  Năm  học cuối cấp nên em khá căng thẳng khi nghỉ học kéo dài. Từ hôm nghỉ học đến giờ, em vẫn thường xuyên cập nhật bài giảng của giáo viên qua zalo, facebook, trang web của trường...nên vẫn dung nạp kiến thức đầy đủ. Lớp em có 33/ 36 học sinh hoàn thành bài tập đầy đủ đủ khi thầy cô giáo giao bài, 3 trường hợp còn lại do trục trặc kỹ thuật và đã nộp bổ sung.

Trường THPT Gia Hội là một trong những trường triển khai học trực tuyến khá sớm. Trước đó, trường đã được đầu tư cơ sở vật chất nên các trang thiết bị kết nối đã xây dựng được một lớp học thông minh theo thời đại 4.0. Thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho hay: Nhà trường có thể kết nối với trang web 789.vn – trường học thông minh để cấp thẻ cho các em tham gia lớp học trực tuyến. Giáo viên tổ chức được lớp học khi có sự tương tác trong khâu  giao bài và  chấm bài. Nhà trường đã ưu tiên thực hiện trước bài giảng online với 9 môn thi tốt nghiệp, còn các khối khác thì giáo viên các lớp chủ động hướng dẫn các em tự học.  

Ở Trường THPT  Cao Thắng  có trên 1.300 học sinh và nhà trường đã cấp  thẻ để các em học trực tuyến. Trường dạy trực tuyến cả ba khối từ lớp 10 đến 12. Các em chỉ cần có máy vi tính hoặc điện thoại smarphone sẽ kết nối được chương trình.  Giáo viên đã  thiết kế giờ học online bằng cách thiết kế hệ thống bài tập đi kèm với giờ học để nắm được hiệu quả việc dạy và học của học sinh. Số lượng học sinh tham gia lớp học trực tuyến trước mắt khoảng 2/3 nhưng con số này sẽ khả quan hơn khi cách học này nhà trường đã duy trì nhiều tháng trước.

Có rất nhiều cách học trước thời đại công nghệ số, trên các trang web của các trường đã đăng thông báo hướng dẫn học sinh ở các khối lớp vào lấy đề kiểm tra để làm bài tập. Nhiều giáo viên đã chủ động xây dựng giáo án, bài giảng điện tử bám sát nội dung sách giáo khoa, lịch học theo thời khóa biểu, thực hiện quay video và đăng tải lên trang web của trường; đồng thời gửi link bài học tới từng nhóm zalo, facebook của mỗi lớp để học sinh ôn bài ngay tại nhà.

Các trường sẽ có phương án học bù cụ thể, tránh tình trạng nhồi nhét kiến thức 

Với trường THCS Trần Cao Vân, hàng ngày, giáo viên đăng tải phần tài liệu (powerpoint, word hoặc video hướng dẫn học tập) lên trang mạng của trường để học sinh nắm nội dung, kiến thức. Học sinh chưa hiểu bài, cần giải đáp thêm, có thể liên hệ qua Zalo hay Viber với giáo viên để được giảng thêm. Đồng thời, ngoài việc tương tác trực tiếp trên các phần mềm điện tử, học sinh có thể gửi bài tập qua email. Học sinh sẽ được chấm bài sau khi đi học trở lại.

Ở các vùng nông thôn khó có điều kiện để kết nối công nghệ nên học sinh khá hứng thú về Kênh Youtube dạy miễn phí  môn vật lý của Thầy giáo Nguyễn Văn Khuyên, giáo viên Trường THCS Phong Hòa (Phong Điền). “Mình dùng Ipad quay video đăng lên mạng, sau đó chia sẻ đường link về web trường, nhắn học trò xem, học. Nội dung chủ yếu là hướng dẫn các bạn tự học bài mới, cho bài tập và ôn lại một số kiến thức cũ, các dạng đề kiểm tra. Không chỉ học sinh trong trường, học sinh ở nhiều nơi vẫn gửi câu hỏi về nhờ thầy giải đáp, thầy Khuyến nói.

Trên thực tế, nhiều trường sử dụng hình thức này để tổ chức các hoạt động học tập, luyện tập, vận dụng kiến thức cho học sinh thực hiện ngoài giờ học trên lớp. Đây là những giải pháp được Sở Giáo dục và Đào tạo  huyến khích sử dụng để triển khai trong quá trình phòng chống với dịch bệnh và duy trì việc dạy học”, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Để việc học tập bằng hình thức online đạt được hiệu quả, rất cần sự đồng hành của phụ huynh và chủ động của học sinh. Với sự hỗ trợ của cha mẹ và hướng dẫn từ xa của giáo viên, học sinh có thể lập kế hoạch tự học cá nhân. Phụ huynh và học sinh cũng không nên quá lo lắng nếu các trường chưa ứng dụng học trực tuyến, bởi lẽ, các trường đều có kế hoạch để học bù, sẽ đảm bảo chương trình nhưng cũng không học dồn, học dập dẫn đến tình trạng mệt mỏi cho các em.

Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện được xét nghiệm nCoV

Từ ngày 9/2, Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu thực hiện được xét nghiệm chủng mới của virus Corona (nCoV).

Thông tin này đã được GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế xác nhận. Theo đó, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị thứ 5 trong cả nước, là đơn vị thứ 2 (sau Viện Pasteur Nha Trang) và là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên ở khu vực miền Trung thực hiện được xét nghiệm này.  

Th. Thủy

                                                                                                                                                                            

                          Bài, ảnh: Huế Thu