Tại Việt Nam, với 14 người mắc (tính đến trưa 9/2), cả hệ thống chính trị đang vào cuộc phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Từ cuộc chiến, đã xuất hiện nhiều việc làm đầy tình người và tinh thần trách nhiệm.

Trường cao đẳng Công nghiệp Huế điều chế dung dịch rửa tay khô phát miễn phí cho người dân. Ảnh: NQ

Đó là câu chuyện về thầy trò Trường cao đẳng Công nghiệp Huế bắt tay điều chế dung dịch rửa tay khô phát miễn phí cho người dân trong điều kiện phương tiện khó khăn. Hành động đẹp ấy lại được tiếp sức khi cuối tuần qua, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến thăm, động viên, biểu dương và trao tiền hỗ trợ từ quỹ đầu tư của tỉnh để thầy, trò Trường cao đẳng Công nghiệp Huế mua thêm máy khuấy hóa chất, vật liệu phục vụ việc điều chế nước rửa tay, tiếp tục phát miễn phí cho người dân.

Thật xúc động khi trong tình hình khan hiếm khẩu trang, có nơi người dân chen lấn nhau để có được những chiếc khẩu trang chất lượng, có nơi “đục nước béo cò” bán khẩu trang với giá “cắt cổ” để kiếm lời thì có những người như thầy giáo Trường đại học Sư phạm Huế đã bỏ tiền túi mua 1.000 khẩu trang phát miễn phí cho sinh viên. Hay hình ảnh các anh công an giao thông ở TX. Hương Thủy tận tình phát tận tay từng chiếc khẩu trang cho người đi đường. Không chỉ là một cái khẩu trang được phát miễn phí, những hành động đẹp ấy góp phần đánh thức, lan tỏa tinh thần sẻ chia và trách nhiệm mỗi người dân trong công tác tự phòng vệ và cùng cộng đồng phòng vệ trước nguy cơ dịch bệnh.

Trong bối cảnh gồng mình phòng dịch, có khi, cả xã hội giật mình trước hình ảnh những chiếc khẩu trang sau sử dụng vứt la liệt trên đường. Nhưng lại có một cụ già 70 tuổi ở thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) những ngày qua đã cùng chiếc xe máy, túi ni lông và đôi găng tay, đi nhặt hàng ngàn cái rác khẩu trang mỗi ngày, gom lại để chúng được tiêu hủy. Lo khẩu trang vứt bừa bãi như thế, nếu có dịch thì không thể trở tay kịp. Tình người và trách nhiệm đã thôi thúc ông cụ bất chấp nỗi lo nguy cơ có thể đến với bản thân mình. Và cũng thật cảm động khi ở Bình Dương, các nhà xe đã miễn phí vé cho sinh viên về quê tránh dịch Corona, hỗ trợ các em một khoản phí vốn luôn chật vật với sinh viên xa nhà.

Ngày 7/2, trong chuyến thị sát tình hình phòng chống dịch tại Sây bay Quốc tế Phú Bài, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ thị: Sân bay là các điểm tập trung đông người đến và đi từ các địa phương khác nhau, có nguy cơ lây truyền bệnh cao, vì vậy công tác phòng, chống dịch phải được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên, sẵn sàng. Phải đặt sức khỏe của hành khách, người dân lên đầu thì công tác phòng chống dịch mới thật sự có hiệu quả.

Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Tinh thần phòng chống  dịch Corona này đang trở thành kim chỉ nam không chỉ ở Thừa Thiên Huế. Như tinh thần sẵn sàng đón người dân từ vùng dịch Trung Quốc trở về đã và đang được Đảng, Nhà nước, các địa phương khẩn trương triển khai cùng các giải pháp đồng bộ, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng chống dịch.

Có thể, đã có những bất cập, nhiễu nhương, bất lương, vụ lợi khi dịch bệnh Corona bùng phát vì những mục đích bất chính của một bộ phận xã hội. Nhưng tình người và trách nhiệm bao trùm trong định hướng lãnh chỉ đạo của các cấp và được khơi dậy trong Nhân dân đang tạo nên sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng với quyết tâm ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh.

Nhật Nguyên