BS Nguyễn Thị Thanh Hương Trưởng khoa Gây mê Hồi sức B đang khám bệnh nhân sau mổ

Bệnh nhân V. T. A. Đ, 37 tuổi, làm việc tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Quảng Bình, mổ u nang vùng hạ vị được hai ngày, nhưng không bị đau đớn ở vết mổ. Chị Đ cho biết, đây là lần mổ thứ 5. Những lần trước mổ dạ con, mổ lấy thai… lần nào cũng vậy. Ba ngày đầu sau mổ, vết thương rất đau đớn. Đặc biệt, mỗi lần vận động là đau nhức. Sau mổ, bị mất sức nhiều. Lần này mổ xong, hai giờ sau, chị Đ tự mình bước đi vững vàng.

Đang làm việc với bác sĩ Thanh Hương thì chị Hoàng Anh, điều dưỡng của một khoa trong bệnh viện bước vào. Chị Hoàng Anh rối rít cám ơn bác sĩ trưởng khoa vì đã thực hiện mổ không đau cho mẹ của chị là bà Lê Thị Lài, 80 tuổi, ở đường Tăng Bạch Hổ (Huế) mổ thay khớp háng. “Mẹ em bị bệnh tim, tăng huyết áp, tuổi cao. Trước khi mổ, cả gia đình lo lắm. Không biết có qua được không. May nhờ khoa Gây mê hồi sức B triển khai kỹ thuật mổ không đau nên mẹ em đã vượt qua được”, chị Hoàng Anh nói.
Dao kéo chạm vào người, gây chảy máu mà không bị đau là chuyện khó tin. Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, Trưởng khoa giải đáp boăn khoăn của tôi, là bác sĩ gây mê, nên chứng kiến cảnh bệnh nhân mổ xong bị đau kéo dài sẽ gây nhiều tác hại: mất nhiều sức do chịu đựng sự đau đớn, phản ứng đau sẽ rối lọan chuyển hóa ảnh hưởng các bộ phận khác trong cơ thể, như gan, ruột, đường hô hấp... Vết thương hồi phục chậm. Để giúp bệnh nhân sau khi mổ không đau, giảm đau, sớm hồi phục sức khỏe, khoa đã áp dụng phương pháp mổ không đau bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng. Với phương pháp này, bệnh nhân được truyền thuốc giảm đau ngay khi phẫu thuật. Nhờ vậy khi tỉnh dậy, không có cảm giác đau ở vết mổ. Đương nhiên, bác sĩ có chuyên môn cao mới thực hiện được kỹ thuật này, vì không cẩn thận sẽ gây tai biến. Đa số các thuốc dùng gây mê, hoặc giảm đau đều ảnh hưởng nhất định đến một số bộ phận trên cơ thể bệnh nhân. Nếu dùng duy nhất một loại thuốc thì cơ thể bệnh nhân sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Khoa đã dùng phương pháp gây mê đa phương thức và giảm đau đa mô thức để giảm thiểu sự ảnh hưởng trên, đồng thời giảm đau, hoặc không đau cho bệnh nhân sau mổ.
Gây mê đa phương thức là vừa gây mê, vừa phối hợp thêm Morphin tủy sống hoặc vừa gây mê vừa tê ngoài màng cứng. Giảm đau đa mô thức là có thể dùng nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau, như: Paracetamon, Nonsteroind, Morphin… hoặc thêm cả tê vùng hoặc phong bế một số dây thần kinh ngoại biên khác nhau. Nhờ vậy vết thương không đau, nhanh bình phục nên những ca phẫu thuật nhỏ chỉ 5 ngày bệnh nhân có thể ra viện. Phẫu thuật lớn, như cắt thực quản, trước đây phải điều trị một tháng, nay chỉ 10-15 ngày. Nhờ vậy, giảm bớt chi phí cho bệnh nhân.
Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Hương, để thực hiện phương pháp mổ không đau, bác sĩ của khoa đã học hỏi qua các hội thảo, các đồng nghiệp trong nước và quốc tế rồi truyền đạt lại kinh nghiệm cho nhau. Hiện tại, khoa có 8 bác sĩ thì có 6 bác sĩ thực hiện được kỹ thuật này. Hai năm triển khai kỹ thuật này, riêng mổ các bệnh về tiêu hóa, khoa đã thực hiện 200 ca. Đây là một kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Quan trọng là vấn đề sức khỏe. Bệnh nhân mong muốn tất cả bác sĩ gây mê của Bệnh viện Trung ương đều áp dụng được kỹ thuật mổ không đau, giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe và chi phí nằm viện bớt tốn kém.
Đinh Hoàng Xuân Hồng