Chối bỏ khuyết điểm, sai phạm

Từ chức trong trong phạm vi nào đó là chuyện bình thường trong hoạt động công vụ. Nhưng thực tế có vẻ như đó là việc hết sức khó khăn của một số lãnh đạo hiện nay. Khi đang làm việc, có người mạnh miệng tuyên bố nếu không làm được việc này, việc nọ sẽ xin từ chức. Thế nhưng, từ chức kiểu này dường như chưa mấy ai thực hiện. Không làm được lại đổ lỗi cho khách quan, câu thề “từ chức” biến mất.

Gần đây, với cơ chế cho nghỉ trước tuổi, đã có một số lãnh đạo ở cấp địa phương xin nghỉ, cũng có nghĩa là xin từ chức. Mới nghe có vẻ như họ sẵn sàng rời bỏ chức vụ nhẹ nhàng, nhưng bên trong ẩn chứa động cơ cá nhân. Người giữ vị trí không có điều kiện “thu nhập ngoài lương”, tuổi nghỉ hưu cận kề nên xin nghỉ để có được thêm một khoản tài chính, lợi cả đôi đường.

Hiện nay, nhiều vị lãnh đạo sau khi kết luận có sai phạm mới viện lý do sức khỏe, bị bệnh nan y, xin đi chữa bệnh dài hạn... để kéo dài thời gian xử lý. Có người khi biết chuẩn bị kỷ luật nặng, không thể giữ chức vụ được nữa mới bất đắc dĩ xin từ chức. Tự thân xin nghỉ “vì lý do sức khỏe” đã phần nào bộc lộ bản chất vòng vo, chối bỏ khuyết điểm, sai phạm của bản thân.

Xét về góc độ khách quan, từ chức là hành động tích cực, dám mạnh dạn từ bỏ chức quyền. Nhiều nước trên thế giới, các quan chức xin từ nhiệm là một hành động hết sức bình thường khi sai phạm hoặc xảy ra sự cố trong lãnh vực, địa phương mình quản lý. Khi công bố từ chức, họ đều nêu lý do rõ ràng dù bản thân có thể không trực tiếp sai phạm. Không chỉ quan chức bình thường mà cả những người giữ chức vụ rất cao, từ bộ trưởng, thị trưởng đến cả thủ tướng chính phủ. Từ chức trở thành một thông lệ, một nét văn hóa, không chờ khi bị phản đối, bị cách chức.

Những năm về trước, chúng ta đã có những vị lãnh đạo xin từ chức khi đang giữ chức vụ khá cao, còn độ tuổi công tác đã xin nghỉ với tâm thế hết sức tích cực, trong sáng, như nhường lại cho thế hệ trẻ năng động hơn. Có người xin nghỉ sớm để người kế cận có đủ năm tháng được bổ nhiệm thuận lợi. Trong cán bộ cấp cao từng có người xin từ chức vì trách nhiệm người đứng đầu để cán bộ cấp dưới sai phạm, mặc dù vào lúc đó chưa quy định trách nhiệm liên đới như hiện nay. Nói như vậy để thấy rằng, xin từ chức của lãnh đạo khi xét thấy mình không đáp ứng công việc là hết sức bình thường. Những con người đó rất đáng trân trọng, để lại tấm gương vì cái chung, không tham quyền cố vị.

Không để “lý do sức khỏe” làm bình phong khi từ chức

Chúng ta đang từng bước xây dựng cơ chế từ chức, nghỉ trước tuổi đối với lãnh đạo các cấp. Cùng với tinh giản biên chế, từ chức khi không đủ năng lực, sức khỏe sẽ làm cho bộ máy ngày càng tinh gọn, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Quyết định 1847/TTg ngày 27/12/2018 của Chính phủ về phê duyệt “Đề án văn hóa công vụ” cũng chỉ rõ: “Chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực, uy tín”.

Như vậy, cơ chế của Đảng, Chính phủ đã mở ra cho lãnh đạo có lý do xin từ chức mà không cần thiết phải có tác động của tổ chức, không cần lấy “lý do sức khỏe” để níu kéo danh dự. Xin từ chức là động thái bình thường của con người có nhân cách, từ chức khi có sai phạm dù khách quan hay chủ quan là thể hiện bản lĩnh của lãnh đạo có tự trọng.

Trong thời kỳ hiện nay, từ chức còn là nét văn hóa cần thiết của người lãnh đạo chân chính, của những người không tơ màng chức quyền, lợi lộc. Cán bộ lãnh đạo từ chức mà thiếu bản lĩnh, thiếu tâm thế đàng hoàng là chưa chuẩn mực về văn hóa, đạo đức công vụ. Cần sớm loại bỏ “lý do sức khỏe” làm bình phong cuối cùng che đậy khuyết điểm của bản thân, gây đàm tiếu trong dư luận xã hội.

NGUYỄN PHƯỚC  KHÁNH