Đô thị Huế được đầu tư, mở rộng theo cơ chế đặc thù. Ảnh: Hoàng Hải

Các ý kiến thống nhất rằng, rất ít tỉnh có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị nên Huế cần làm tốt với các chủ trương, chương trình hành động, biến cơ chế đặc thù thành lợi thế và các bộ, ngành cùng hỗ trợ cho tỉnh thực hiện để sớm cán đích thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 theo tinh thần của Nghị quyết 54.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân:

Phát triển đô thị mang đặc trưng riêng của Huế

Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu xây dựng chương trình, đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy và huyện Phú Vang trên cơ sở cân nhắc, tiếp thu những di sản, thành tựu, đặc trưng vốn có của Huế để phát triển đô thị Huế mang bản sắc riêng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng chất lượng, lộ trình và tiến độ theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Ngoài việc đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển TP. Huế trong tương lai, UBND tỉnh cần có Chương trình phát triển đô thị của TP. Huế; đây là thủ tục đầu tiên, là gốc của vấn đề để định hướng về đô thị phát triển lâu dài và chia làm nhiều giai đoạn phát triển. Trong quá trình xây dựng, cần thiết thì tỉnh có thể tham khảo kinh nghiệm của một số địa phương, có thể nghiên cứu thuê chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm để tư vấn, xây dựng mô hình phát triển TP. Huế mang đặc trưng riêng của Huế. Trên cơ sở đó, sẽ xác định được mô hình phát triển của TP. Huế. Cần xây dựng, định hướng và phát triển TP. Huế đa dạng theo mô hình riêng, đặc biệt, mang đặc trưng của Huế mà không đi theo một mô hình chung nào và tận dụng những điều kiện của các địa phương lân cận.

Bộ Nội vụ ủng hộ tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng chương trình phát triển đô thị và có lộ trình để thực hiện xây dựng TP. Huế trong tương lai, trước mắt là mở rộng đô thị TP. Huế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

Khai thác các lợi thế về cơ chế đặc thù

Về định hướng phát triển, vừa qua, Bộ Chính trị, Trung ương và các bộ, ngành rất quan tâm đến Thừa Thiên Huế, đánh giá rất cao và kỳ vọng rất lớn về khát vọng vươn lên mà tỉnh chuẩn bị cho giai đoạn tới bằng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Tôi cho rằng, đây là cơ hội hiếm có và rất tốt cho Thừa Thiên Huế tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương để  phát triển trong thời gian tới. Tôi tin tưởng với nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh sẽ sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết 54.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hiện nay, Huế đang sở hữu rất nhiều lợi thế so sánh, rất nhiều yếu tố mà không ở đâu có được. Tỉnh cần phải tận dụng, phát huy, khai thác triệt để các lợi thế đó. Ngoài ra, tỉnh cũng hoàn toàn tự tạo ra những cơ hội mới cho mình bằng những yếu tố mang tính đột phá, đặc thù. Tỉnh cần tính toán lại quy hoạch, định hướng, chiến lược phát triển, có tầm nhìn, có quy hoạch không gian tốt sẽ thu hút tối đa nguồn lực phát triển trong tương lai. Quy mô của tỉnh hiện đang còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng còn thấp nên cần chú trọng đến những dự án có tính bứt phá; tiếp tục cải thiện môi trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững… Bộ sẽ phối hợp với tỉnh xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành để nhanh chóng trình Thủ tướng ký ban hành.   

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:

Lấy công nghệ thông tin làm mũi nhọn phát triển

Thừa Thiên Huế đang có nhiều mô hình tốt, ấn tượng, đi đầu cả nước như xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, đề án "Ngày Chủ nhật xanh", nói không với sản phẩm nhựa và túi ni lông sử dụng một lần… Đây là những nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Huế đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang ứng dụng công nghệ, chọn đối tác công nghệ đứng ra làm đề án du lịch thông minh trên toàn quốc. Tôi chỉ đạo đối tác công nghệ chọn Huế là một trong những địa phương thực hiện. Huế đang nằm top đầu về Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chọn Huế để tổng kết điểm, tiến tới chọn Huế là thành phố điểm về du lịch thông minh. Bộ sẽ phối hợp với tỉnh sớm sơ kết trong năm 2020 để nhân rộng toàn quốc.

Nếu Huế liên tục dẫn đầu toàn quốc về Chính quyền điện tử cũng chính là đóng góp lớn cho Chính phủ điện tử. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung vừa được Thủ tướng quyết định cho Huế, kết nối khu này với chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Đồng thời, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước đến khu công nghệ tập trung của Huế để nghiên cứu, sản xuất, biến lĩnh vực công nghệ thông tin làm mũi nhọn phát triển cho tỉnh.

Thái Bình (thực hiện)