Tranh thủ sửa chữa ngư cụ, chờ vươn khơi khi có lao động
Gắn bó với nghề biển từ nhỏ, ông Trần Văn Tuấn ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) từng nếm trải với bao thăng trầm của nghề “theo đuôi con cá”. Ông Tuấn bảo rằng, biển không phải lúc nào cũng lắm tôm nhiều cá.
Nghề khai thác hải sản gần bờ từng “đi vào ngõ cụt” vì nạn đánh bắt bằng mìn, giã cào trái phép khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Trước những thách thức đó, cộng với xu hướng hiện đại hóa khai thác biển, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Ông Tuấn không có điều kiện đóng tàu vì nguồn vốn lớn đành làm thuê (thuyền viên) cho các chủ tàu.
Theo nhiều ngư dân, gần đây nghề đánh bắt xa bờ cũng lâm vào cảnh khó khăn khi nguồn lợi hải sản ngày càng giảm. Nếu trước đây, mỗi chuyến biển có thể mang về hàng chục tấn hải sản thì nay chỉ chừng vài tấn đến chục tấn. Giá cả sản phẩm cũng giảm đáng kể so với trước khiến hiệu quả đánh bắt khá thấp. Một thời, mỗi kg cá nục có giá 20-22 ngàn đồng thì nay giảm còn 10-12 ngàn đồng.
Vài năm về trước, mỗi chuyến biển mang lại nguồn thu nhập cho ông Tuấn cũng như nhiều lao động (làm thuê cho các chủ tàu) có nguồn thu nhập 5-10 triệu đồng. Nay, mỗi chuyến biển chỉ thu nhập 1-3 triệu đồng, có chuyến “chỉ đủ dầu” (hòa vốn) nên các thuyền viên không có nguồn thu. Đó chính là nguyên nhân khiến ông Tuấn và nhiều ngư dân “bỏ nghề tạm thời”, chuyển sang phụ thợ hồ, thậm chí vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) không giấu nỗi buồn khi hiệu quả đánh bắt xa bờ không được tốt. Một thời, mỗi chuyến biển 5-7 ngày, trừ mọi chi phí xăng dầu, đá ướp hải sản, lương thực… chừng 50-60 triệu đồng, tàu ông Chiến cũng như nhiều tàu lãi cả trăm đến vài trăm triệu đồng. Bây giờ, mỗi chuyến biển của các tàu chỉ hòa vốn, hoặc lãi không nhiều. Mỗi thuyền viên được trả công chỉ vài triệu đồng/chuyến nên họ không còn mặn mà với nghề, chuyển sang các nghề khác để mưu sinh.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 420 tàu đánh bắt xa bờ; trong đó có 40 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ (36 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ thép). Hầu hết các tàu đều có công suất từ 90 CV đến 1.000 CV. Lâu nay, cùng với nuôi trồng thủy sản, nghề biển tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10 ngàn hộ gia đình với hơn 21 ngàn lao động. |
Không riêng tàu ông Chiến, nhiều tàu ở xã Phú Thuận nói riêng và Phú Vang nói chung vì thế thiếu lao động, phải nằm bờ.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, phần lớn các chủ tàu vay đóng mới theo Nghị định 67 đều trả nợ không đúng kỳ hạn nên tổng dư nợ đến nay gần 255,9 tỷ đồng, có nguy cơ bị khởi kiện. Ngoài một bộ phận chây ỳ trả nợ, còn lại các chủ tàu do đánh bắt kém hiệu quả nên không có khả năng trả nợ.
Đánh giá của Ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang, hiệu quả đánh bắt xa bờ thời gian gần đây giảm sút đáng kể so với trước. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế, sản lượng đánh bắt xa bờ trên địa bàn huyện năm nay ước giảm 10% so với nhiều năm trước. Không chỉ sản lượng giảm mà giá hải sản năm nay cũng giảm từ 30-40% so với năm trước. Hiệu quả đánh bắt thấp, thu nhập người lao động không đủ trang trải cuộc sống nên “bỏ nghề tạm thời” là điều khó tránh khỏi.
Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngoài giá cả không ổn định, nhiều chủ tàu chưa mạnh dạn vươn khơi, đánh bắt dài ngày (trong khi tàu công suất lớn, đảm bảo các điều kiện cần thiết để đánh bắt xa bờ) nên sản lượng, hiệu quả mỗi chuyến biển còn thấp. Sản lượng khai thác thủy hải sản năm nay chỉ hơn 41 ngàn tấn, so với kế hoạch gần 44 ngàn tấn. Thu nhập của bạn thuyền thấp, không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều người đành chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Thiếu lao động là nguyên nhân chính khiến khoảng 30% tàu không thể vươn khơi, trong đó 10% tàu “nằm bờ” thường xuyên, kéo dài.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU