Ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh vắng vẻ trong ngày đầu tuần 10/2. Ảnh: Reuters/Tuoitre

Theo thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, 108 trường hợp tử vong do virus nCoV đã được ghi nhận trong ngày 10/2 – con số tử vong trong một ngày cao kỷ lục, nâng tổng số người thiệt mạng ở Trung Quốc đại lục lên 1.016 người kể từ khi dịch bệnh diễn ra vào tháng 12/2019.

Trong tổng số 42.638 ca nhiễm virus nCoV ở Trung Quốc hiện nay, có 2.478 ca nhiễm mới được xác nhận trong ngày 10/2, giảm so với 3.062 ca nhiễm mới của một ngày trước đó. Đây là lần thứ 2 trong hai tuần qua, các nhà chức trách ghi nhận sự suy giảm trong số ca nhiễm virus mới mỗi ngày, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng sự lây lan của các trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc có thể là “một tia lửa thổi bùng một đám cháy lớn hơn”.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, hơn 300 công ty Trung Quốc đang tìm kiếm các khoản vay với tổng trị giá ít nhất 57,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,2 tỷ USD) để giúp đối phó với sự gián đoạn do nhiều thành phố bị phong toả, nhà máy đóng cửa và các nguồn cung bị tê liệt.

Reuters dẫn thông tin từ phía ngân hàng tiết lộ rằng, trong số các doanh nghiệp nhiều khả năng cần đến các khoản vay có các “tên tuổi lớn” như: “gã khổng lồ” về đánh giá và giao hàng thực phẩm Meituan Dianping, nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp và nhà cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến Didi Chuxing Technology Co.

Trong khi đó, công ty Xinchao Media của Trung Quốc thông báo đã sa thải 500 người vào ngày 10/2, tương đương với hơn 10% lực lượng lao động của công ty, và chuỗi nhà hàng Xibei bày tỏ lo ngại về vấn đề trả lương cho khoảng 20.000 công nhân.

Ngày 11/2, giới chức Trung Quốc khẳng định sẽ đưa ra các biện pháp để ổn định việc làm, bên cạnh việc cắt giảm lãi suất và kích thích tài khóa đã được công bố trước đó để hạn chế sự suy thoái kinh tế xuống mức tối thiểu.

Một viện nghiên cứu của Trung Quốc dự đoán virus nCoV sẽ gây tổn thất 1% trong tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này và các nhà phân tích lo ngại sự gián đoạn kéo dài có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho tăng trưởng toàn cầu.

“Các bùng phát của virus Corona đã thay đổi hoàn toàn động lực của nền kinh tế Trung Quốc”, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết khi một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I năm nay.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters)