ThS. Phạm Thị Thúy Hằng, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế
* Những mối nguy về xâm hại tình dục thường đến từ đâu, thưa chị?
Những nguy hiểm về XHTD hay những kẻ XHTD trẻ em có thể là bất cứ ai: già hay trẻ, người quen hay không quen, người trong gia đình hay người ngoài gia đình. Trong rất nhiều trường hợp, kẻ lạm dụng chính là người quen thân, thậm chí thành viên trong gia đình, hay người sống trong cùng một khu phố, làng xóm với các em.
Ngoài ra, kẻ XHTD cũng có thể là thanh niên mới lớn, nghiện ngập ma tuý, ruợu bia. Đôi khi, đó lại là những người bị bệnh tâm thần, mất ý thức về việc mình đang làm. Cũng có thể kẻ lạm dụng là người hoàn toàn xa lạ với trẻ, nhưng đã lợi dụng hoàn cảnh và thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi tội ác. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng, phần lớn những kẻ lạm dụng cũng đã từng là nạn nhân của sự lạm dụng trẻ em.
Việc không chủ động dạy con trẻ những điều cần biết, cần tránh sẽ khiến trẻ em hoàn toàn bị động trước tình huống có nguy cơ xâm hại, dễ trở thành nạn nhân của tội ác XHTD hay ấu dâm. Thậm chí, khi bị lạm dụng dâm ô, các em cũng không hiểu đây là hành vi xấu cần phải kể lại với người lớn, thầy cô giáo để kịp thời ngăn chặn. Chính sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng ứng phó với những người xấu, hành vi xấu là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn XHTD trẻ em, ấu dâm ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
* Vậy, cha mẹ cần dạy những kỹ năng phòng ngừa XHTD từ lúc trẻ mấy tuổi?
Một trong các nguyên tắc giáo dục kỹ năng sống nói chung, giáo dục kỹ năng phòng ngừa XHTD cho trẻ em nói riêng là nguyên tắc về thời gian, nghĩa là cần giáo dục kỹ năng cho trẻ càng sớm càng tốt, tất nhiên nội dung giáo dục cần phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và trình độ nhận thức của trẻ em từng lứa tuổi. Ngay từ độ tuổi trẻ mầm non, các cháu đã cần được giáo dục để biết yêu quý và giữ gìn, làm chủ cơ thể của mình, thể hiện được kỹ năng tự lập, chăm sóc bản thân. Môi trường giáo dục cần tạo cơ hội cho trẻ áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các tình huống “thực” trong cuộc sống; thực hiện mọi lúc, mọi nơi trong gia đình, trong nhà trường và cộng đồng.
ThS. Phạm Thị Thúy Hằng hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa XHTD cho học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi
* Những kỹ năng cơ bản để phòng ngừa XHTD là gì? Chị có thể nói rõ hơn về những kỹ năng ứng phó khi gặp tình huống nguy hiểm?
Để hình thành kỹ năng phòng ngừa XHTD, trước hết trẻ phải có kiến thức và hiểu biết về XHTD. Việc hiểu biết đúng có thể giúp các em tự bảo vệ bản thân trước các tình huống có nguy cơ bị xâm hại. Điều này có mối liên hệ với việc nhận biết về các “bộ phận riêng tư” và những động chạm nào là được phép và không được phép đối với cơ thể trẻ.
Các em cần hiểu được vùng kín hay vùng riêng tư/vùng đồ bơi (thuộc về em, mang tính cá nhân, được che chắn kín đáo, không ai được phép đụng chạm) là vùng không được ai có thể xâm phạm vào nếu không có lí do chính đáng (lí do chính đáng là khi em được chăm sóc hay đi khám bệnh). Từ việc nhận biết được vùng bất khả xâm phạm trên cơ thể, các em có thể xác định được các tình huống nguy hiểm, báo động không an toàn, nhận biết tình huống có nguy cơ XHTD đến từ lời nói, cử chỉ, hành vi của người khác như:
- Nếu ai đó nhìn vào vùng kín của mình hoặc dụ dỗ mình nhìn vào vùng kín của người khác gọi là báo động nhìn;
- Nếu ai đó nói về vùng kín của mình hoặc dụ dỗ mình nói về vùng kín gọi là báo động nói. Nếu ai đó chạm vào vùng kín của mình hoặc dụ dỗ mình chạm vào vùng kín của họ gọi là báo động chạm.
- Nếu ai đó ôm mình và có những hành động: sờ, đụng, hôn hoặc xâm phạm sâu vào vùng kín của mình thì đó là báo động ôm. Nếu ai đó dụ dỗ, dẫn mình vào phòng kín hoặc đi vào chỗ vắng người và thực hiện các hành vi: sờ, đụng, chạm, ôm... thì đó là báo động một mình.
Các quy tắc phòng ngừa XHTD ba mẹ cần hình thành cho các em là: quy tắc giữ không gian cá nhân/khoảng cách an toàn: không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ, không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình; không ở một mình trong phòng với người lạ; không cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình; không đi nhờ xe người lạ; không nhận tiền, quà có giá trị hoặc sự chăm sóc đặc biệt của người khác mà không rõ lí do.
Các em cũng cần được hình thành kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy cơ bị XHTD. Quy tắc “Nói không, tránh xa, kể ra” thể hiện trong các tình huống nguy hiểm các em cần hành động để bảo vệ bản thân:
- Hét lớn: Không! Dừng lại ngay! Tôi không cho phép! Nếu không dừng lại, tôi sẽ mách với mọi người/Không được nhìn/đụng vào người tôi/Cứu tôi với…
- Chạy thật nhanh tránh xa người đó, chạy về phía đông người.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ, kể ra với người tin cậy về hành vi xâm hại để nhận được sự trợ giúp đảm bảo sự an toàn của bản thân.
Ba mẹ cũng cần dạy trẻ biết những điểm yếu trên cơ thể của đối phương như mắt, yết hầu, bụng... và có thể sử dụng các bộ phận cơ thể mình như chân, tay, đầu gối… để chống trả lại các hành động ác ý.
* Nhiều bậc cha mẹ rất ngại và không biết cách giáo dục con kiến thức về giáo dục giới tính, phòng ngừa XHTD. Làm sao để cha mẹ và con cái có thể cởi mở trò chuyện với nhau về vấn đề này?
Do ảnh hưởng bởi nền văn hoá, người Việt vốn kín đáo và rất e ngại khi đề cập đến những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ đề này. Đây là một trong những rào cản về nhận thức ảnh hưởng hạn chế đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục phòng ngừa XHTD cho học sinh. Hầu hết các bậc phụ huynh không muốn con gặp sai lầm nhưng lại né tránh hoặc không mấy quan tâm tới việc giáo dục cho con những điều cần thiết về giới tính.
Cha mẹ cần thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của mình trong việc giáo dục con cái để con không trở thành nạn nhân của XHTD. Điều quan trọng là ba mẹ phải trang bị sẵn sàng những kiến thức tối thiểu về vấn đề này để giải đáp tất cả những câu hỏi hay thắc mắc của con. Nếu con chỉ vào một bộ phận nhạy cảm nào đó trên cơ thể, cha mẹ cần cho con biết đó là cơ quan gì, có chức năng thế nào, hoặc có thể lấy ví dụ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi con đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, cha mẹ cần giải đáp rõ ràng, nghiêm túc, không nên tỏ ra ngượng ngùng, bối rối, không cười giỡn với thắc mắc của con mà cần thể hiện sự tế nhị, đúng mực…
* Xin cảm ơn chị!
“Có rất nhiều định nghĩa về XHTD trẻ em được đưa ra bởi các tổ chức bảo vệ trẻ em, các nhà nghiên cứu về trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu, XHTD trẻ em là khi một người có hành vi xâm phạm đến vùng kín, vùng riêng tư của trẻ em với ý đồ không tốt (đối với nam: cơ quan sinh dục và phần mông; đối với nữ: cơ quan sinh dục, phần mông và phần ngực) ThS. Phạm Thị Thúy Hằng |
NGỌC HÀ (Thực hiện)