Ngày lưu trú thấp
Không ai phủ nhận sức thu hút của Huế với tư cách là một điểm đến. Nghịch lý là, nhiều du khách chỉ đến thăm thú các di tích, danh lam rồi vào Đà Nẵng, Hội An lưu trú, vui chơi, mua sắm. Điều này được thể hiện qua ngày lưu trú bình quân của du lịch Thừa Thiên Huế không cao (năm 2013 là 2,02 ngày).
Khách du lịch quốc tế đến Cảng Chân Mây. Ảnh: Minh Hiền |
Khẳng định thời gian lưu trú của khách ngày càng thấp, bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế cho hay: “Theo thống kê ngày khách của Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội tại Huế, cách đây 3 năm, ngày khách ở Huế là 2,35 nhưng gần đây chỉ còn 1,5 hoặc 1,3 ngày”.
Bà Công Lý đưa ra con số giật mình: “Trước đây, khách Tây Ban Nha thường ở Huế 2 đêm rồi đi Đà Nẵng, Hội An ở 2 đêm. Hiện nay, họ ở Huế 1 đêm và Đà Nẵng, Hội An 2-3 đêm. Thậm chí có những đoàn khách chỉ lưu trú ở Đà Nẵng và ra thăm Huế rồi trở lại trong ngày. Đầu năm 2014, công ty tôi nhận 2 seri khách Tây Ban Nha (1 seri khoảng 10-15 đoàn); trong đó có 1 seri ở Huế 1 đêm và 1 seri ở Đà Nẵng 2 đêm mà không ở lại Huế, chỉ ra tham quan rồi vô lại Đà Nẵng. Cũng các seri đó, cách đây 2 năm thì 1 seri ở Huế 2 đêm, 1 seri ở Huế 1 đêm”.
Khách không lưu trú, Huế mất doanh thu về dịch vụ khách sạn, ăn uống, đi lại và suất chi tiêu của khách thấp… Với tình trạng này, không khéo Huế chỉ là trạm dừng chân trong chuyến đi của khách đến Đà Nẵng và Hội An.
Thiếu chỗ chơi
Theo bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy – Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Huế, sản phẩm du lịch chủ yếu của Huế là tham quan văn hóa, di sản. Với loại hình này, một ngày là gần như xong nên chưa thể kéo dài ngày lưu trú như các sản phẩm du lịch biển, mạo hiểm, hay trải nghiệm ở Đà Nẵng và Hội An.
Vòng quanh Huế bằng xích lô là dịch vụ được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng. Ảnh: Võ Nhân |
Bà Dương Thị Công Lý cho rằng, đối với khách nội địa, ngoài thăm thú, khách có nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực. Trong khi đó, Huế chỉ mới đáp ứng được nhu cầu tham quan văn hóa lịch sử và ẩm thực, còn vui chơi, giải trí, mua sắm thì chưa, các dịch vụ chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch, chưa đạt chất lượng cao. Ban ngày tham quan lăng tẩm, đền đài. Buổi tối, ngoài một đêm đi ca Huế, nếu khách ở lại nhiều hơn thì không biết đi đâu, chơi gì.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Sở VH-TT&DL đã kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch triển khai các giải pháp nhằm thu hút và khuyến khích các nguồn đầu tư trực tiếp ở trong nước và nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ. Đặc biệt quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu về du lịch trong nước và quốc tế đến Thừa Thiên Huế. Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích du lịch phát triển. Ưu tiên các dự án tạo ra sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao. Thực hiện xã hội hoá phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch.
|
Du lịch văn hóa di sản và ẩm thực vốn là thế mạnh của Huế nhưng không được làm mới thường xuyên nên du khách cũng nhàm chán. Khách Pháp vốn rất thích văn hóa của Huế. Họ thích đền đài, lăng tẩm, sinh thái, nhà vườn, sông Hương và tất cả những gì thể hiện bằng văn hóa, như cách lồng văn hóa Huế vào trong ẩm thực. Nhưng 5 - 10 năm, không có gì thay đổi trong sản phẩm đó nên khách Pháp ít quay trở lại. Bây giờ, lượng khách Pháp lưu trú tại Huế thưa dần, họ chuyển vào Đà Nẵng và Hội An. Trong điều kiện giao thông thuận lợi như hiện nay, ban ngày khách đến Huế tham quan, chiều tối về lại Đà Nẵng, Hội An để vui chơi, mua sắm, tận hưởng những dịch vụ chất lượng của các khách sạn, nhà hàng đẳng cấp. Như vậy, họ vừa có nhu cầu tham quan Huế, vừa được lựa chọn thêm dịch vụ.
Hiện tại, chúng ta chỉ dựa vào sản phẩm văn hóa để phát triển du lịch là không đủ. So với nhiều điểm đến khác, Huế không có sản phẩm đột phá, độc đáo khác. Nhiều hãng lữ hành phàn nàn, các sản phẩm du lịch của Huế muôn đời nay vẫn không thay đổi, kể cả chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất. Khách sạn 4-5 sao của Huế chất lượng không bằng những khách sạn tương đương ở một số nơi khác. Về ẩm thực, dù có cách chế biến sang trọng, đẹp mắt, tinh tế nhưng Huế chưa có những nhà hàng đẳng cấp. Khách cao cấp cần những nhà hàng đẳng cấp, sang trọng hơn.
Một cán bộ quản lý về du lịch cho rằng, vấn đề là chúng ta không kêu gọi được nhà đầu tư lớn và không có nguồn để đầu tư. Huế thiếu dịch vụ đi kèm, thiếu nơi vui chơi, mua sắm. Hiện nay, khu vui chơi trên địa bàn tỉnh không có, nếu có thì cũng nhỏ, không hút khách. Thời gian tới, nếu không cải tiến sản phẩm, không có đầu tư cao và không kêu gọi được các nhà đầu tư tiềm năng để tạo ra sản phẩm du lịch mới độc đáo thì sẽ trở nên yếu thế trước sự cạnh tranh thương hiệu điểm đến gay gắt như hiện nay.
Bà Công Lý nói thêm, không thể không nói đến năng lực, thái độ, cung cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, niềm nở của một bộ phận nhân viên trong ngành du lịch, như lễ tân khách sạn, nhân viên nhà hàng, thậm chí là tài xế đưa đón khách du lịch. Những hạt sạn này cũng tạo ấn tượng không tốt trong lòng du khách.
Theo bà Công Lý, phải tìm được mô hình riêng cho du lịch Huế nếu không muốn ngày càng mất khách.
Một cái khó là hiện nay, nguồn kinh phí dành cho xúc tiến, quảng bá quá thấp, không đảm bảo được quảng bá dù là trong nước.
Trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên ngành du lịch cũng là vấn đề. Và quan trọng là phải làm cho khách hàng cảm thấy họ là thượng đế.