Ông Nguyễn Quốc Thành - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch:

Tạo sản phẩm đủ sức kéo khách

Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư, môi trường xã hội tốt cho các doanh nghiệp để tạo sản phẩm vui chơi, giải trí trên cơ sở tiềm năng đang có. Cần gắn liền trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với du lịch, dẹp bỏ các tệ nạn như ăn xin đeo bám. Phải có thêm nhiều điểm đến thì khách mới ở lại, kéo dài ngày lưu trú. Nếu chỉ chủ yếu là mảng du lịch văn hoá thuần tuý thì sẽ đến lúc bão hoà.

Huế đã có phố đêm, ẩm thực đêm, chợ đêm nhưng cách làm nhỏ, không quy mô nên chưa thu hút. Phải quy hoạch, làm mới một khu phố đi bộ, tập trung các cửa hàng mua sắm, đưa các thương hiệu nổi tiếng, cao cấp về Huế. Đầu tư các khu vui chơi giải trí, tạo ra những sân chơi mới như sàn diễn thời trang, rạp chiếu phim hiện đại…

 Du khách tham quan Đại Nội - điểm đến quen thuộc của Huế. Ảnh: Võ Nhân

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Công ty CP Du lịch Hương Giang:

Không thể thiếu cái tài của người làm lữ hành

Người tổ chức tour cần cố gắng đưa nhiều sản phẩm của Huế vào chương trình. Nếu có chương trình hấp dẫn, khách sẽ ở lại 2-3 đêm. Khi còn làm ở Quê Hương travel, tôi đã giữ một đoàn khách nước ngoài ở lại 4 đêm. Với các dịch vụ văn hoá truyền thống, tham quan di tích thắng cảnh, homestay, du lịch cộng đồng, khách đã ở Huế 2 đêm, về Phước Tích 1 đêm, lên A Lưới 1 đêm. 

Một trong những điều níu kéo du khách nhất là môi trường thân thiện. Chỉ cần ra đường gặp một người cười với họ, hay gặp cô bán hàng, người phục vụ dễ thương là khách đã cảm tình. Một anh xích lô dù không trò chuyện với họ được nhưng vừa đi vừa cười, cách ra hiệu, nhiệt tình giúp đỡ, cho họ thử đạp xích lô… cũng gây ấn tượng với khách. Nhiều vị khách của tôi đã trở lại, cứ 2 năm dành dụm đủ tiền họ lại về 1 lần. Đó là cách níu chân khách.

Ông Hoàng Văn Khánh - Giám đốc Chi nhánh Vietravel tại Huế:

Có thể làm những việc rất nhỏ

Huế có ẩm thực phong phú, tinh tế, nên chăng biến Huế trở thành “đầu bếp” của Việt Nam. Ăn ngon, món ăn tinh túy sẽ tạo ấn tượng với du khách. Ngay cả cuộc sống của con người Huế, cách sinh hoạt, tập quán, cách ăn cách ở là nét văn hóa có thể nâng lên thành một sản phẩm lôi cuốn. Ban đêm, nội thành không có gì hết nhưng khách du lịch đi rất đông. Nên chăng, chúng ta quy hoạch thành những khu phố đêm theo chủ đề chuyên về ẩm thực, mua sắm, vui chơi ở Bao Vinh, Chi Lăng, Thành Nội...

Chúng ta có thể làm những việc rất nhỏ nhưng tạo được ấn tượng với du khách, như làm những cây dù tạo bóng râm che nắng cho khách sau khi tham quan trong Đại Nội ra, khoác cho cầu Trường Tiền những cái dù, làm những mái che đẹp trên đường Trần Hưng Đạo...đường trong nội thành để du khách thấy mình được quan tâm.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

Cần sự phối hợp đồng bộ

Chúng tôi đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch, dành nhiều ưu đãi cho du khách và các đơn vị lữ hành. Mục đích của những hoạt động này là biến di sản Huế trở thành điểm đến hấp dẫn để lôi kéo du khách đến nhiều hơn và ở lại lâu hơn.

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu để tổ chức không gian dịch vụ tại khu vực Phủ Nội Vụ để phục vụ khách về đêm trong Đại Nội; Tổ chức dịch vụ tại cung An Định và 79 Phan Đình Phùng gắn liền với hoạt động trưng bày, triển lãm tại đây. Tuy nhiên, chúng tôi mong có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ. Chỉ có sự phối hợp tốt mới đảm bảo thành công.

Trang Hiền - Đồng Văn (ghi)