Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Dệt may Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh; ảnh hưởng tới tâm lý người dân... Với tinh thần chủ động trong công tác phòng chống dịch, cũng như những tác động của dịch, đề nghị các đơn vị tập trung đề xuất các giải pháp, phương án trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo duy trì sự tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Báo cáo thực trạng từ các ngành, đơn vị cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó tác động chính đến các lĩnh vực: Du lịch, dịch vụ, thương mại, tiêu dùng, vận tải…

Một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong nguồn thu trong khi vẫn phải trả lãi cho ngân hàng; ngoài ra còn phải tăng chi phí phòng dịch như phun thuốc phòng dịch, hỗ trợ khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn...

Trước những ảnh hưởng như trên, các đơn vị đề xuất các biện pháp như có những chính sách kích cầu du lịch; có những gói chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, giảm thuế để hỗ trợ khó khăn của doanh nghiệp, có các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua rất tích cực trong công tác phòng chống dịch, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch đến sản xuất kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội cần phần được quan tâm, tập trung thực hiện tích cực hơn, nỗ lực hơn, biến những thách thức thành cơ hội, vượt khó bằng nội lực chính của địa phương.

Về một số nhiệm vụ đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương phải chủ động, đánh giá những tác động có thể xảy ra nếu tình hình dịch bệnh kéo dài để tránh trường hợp bị động, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó. Đánh giá tình hình thu, chi ngân sách để có kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020. Nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Phải có những phương án trước mắt cũng như lâu dài, cùng những giải pháp căng cơ để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư, khách du lịch, đặc biệt là tạo được niềm tin và sự an toàn cho đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tin, ảnh: Thái Sơn