Dự án trồng dưa lưới an toàn được Hue WACO triển khai khá hiệu quả. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC
Chưa tương xứng
Trong khi nhiều địa phương có những bước tiến nhảy vọt trong nông nghiệp nhờ đầu tư phát triển cây ăn quả thì tại Thừa Thiên Huế diện tích cây ăn quả vẫn khá khiêm tốn. Thậm chí nhiều vùng theo nhận định của giới chuyên môn có thể trồng một số loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn đang bỏ hoang.
Với đặc trưng khí hậu mát mẻ, rất thuận lợi cho nhiều loại cây ăn quả có giá trị như: bơ chịu lạnh, sầu riêng, chanh dây… tuy nhiên tại A Lưới diện tích cây ăn quả vẫn khá khiêm tốn và chỉ tập trung một số cây có múi diện tích khoảng 13 ha với 3 loại chủ yếu là bưởi da xanh, thanh trà, cam.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn A Lưới, địa phương vẫn đang trong quá trình thử nghiệm một số loại cây ăn quả trên địa bàn, tuy nhiên, kỹ thuật trồng và chăm sóc vẫn đang là chướng ngại.
Vì thế, việc xây dựng mô hình điểm, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… đang được địa phương quan tâm đầu tiên.
Những vùng khác cũng đang manh nha phát triển các loại cây ăn quả nhưng với quy mô nhỏ lẻ.
Số liệu từ Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy, toàn tỉnh có gần 400 ngàn ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 60 ngàn ha chiếm 12% diện tích (cây ăn quả chỉ có khoảng 3,1 ngàn ha); đất lâm nghiệp hơn 325 ngàn ha chiếm 64% diện tích; đất phát triển thủy sản khoảng 6 ngàn ha; còn lại 19,4 ngàn ha đất chưa được khai thác sử dụng (đất trống).
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, trong sơ kết thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và định hướng, cây ăn quả chưa được Thừa Thiên Huế đề cập. Trong khi nhiều cây ăn quả có thế mạnh phát triển không được nhắc tên thì cây lúa, cao su, keo cho thu nhập không cao lại được chú ý. Cây thanh trà nằm trong định hướng phát triển, nhưng triển vọng mở rộng cũng chỉ 1.000 ha, hoàn toàn chưa tương xứng.
Thực tế đáng buồn khác, dù đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 12% tổng diện tích nhưng lại chiếm đến 63% tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản. Trong khi đó, đất lâm nghiệp chiếm 64% tổng diện tích đất nông nghiệp lại chỉ chiếm 6,6% tổng giá trị sản xuất. Thu nhập từ cây ăn quả trên địa bàn vẫn khá khiêm tốn.
Nếu ở một số tỉnh thu nhập trung bình từ mỗi ha cây ăn quả từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha thì trên địa bàn, trung bình thu nhập từ vườn cây ăn quả/hộ/năm chỉ khoảng từ 35 đến 40 triệu đồng (chiếm 65%), các hộ có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng chiếm 3%, do diện tích manh mún và kỹ thuật chăm sóc hạn chế.
Cần bước đệm từ nguồn giống, kỹ thuật
PGS. TS Nguyễn Minh Châu khẳng định, Thừa Thiên Huế có tiềm năng rất lớn để phát triển cây ăn quả không thua kém gì các tỉnh khác. Nơi có khí hậu mát như A Lưới có thể trồng được các loại bơ chịu lạnh, chanh dây, cà phê… Các huyện khác có khí hậu ấm hơn như Nam Đông, Phong Điền có thể trồng các loại chịu nóng như: sầu riêng, xoài, bưởi da xanh, các vùng ven biển có thể trồng na, nhãn...
“Các địa phương có thể tận dụng diện tích đã được quy hoạch trồng lúa nhưng hiệu quả thấp, diện tích trồng cao su ở Phong Điền, Hương Trà, Nam Đông chuyển sang trồng cây ăn quả như: sầu riêng, bơ nhiệt đới, mít. Hoặc theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp quy hoạch đến năm 2020, A Lưới sẽ có 12.000 ha diện tích đất trồng keo. Tuy nhiên, mỗi ha keo chỉ cho thu nhập 12 triệu/ha/năm, vì thế cần xem xét chuyển sang trồng bơ thuộc nhóm chịu mát, mít thái, chuối tiêu. Vùng A Lưới cũng có thể nghiên cứu trồng thử nghiệm sầu riêng. Thực tế đã chứng minh, ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự đang phát triển khá tốt với thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Điều này càng được khẳng định khi có một số hộ dân ở thị trấn A Lưới đang trồng sầu riêng cho hiệu quả khá tốt”- PGS. TS Nguyễn Minh Châu chia sẻ.
Việc đưa cây ăn quả vào định hướng phát triển nông nghiệp cũng là ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại các hội nghị chuyên ngành, vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận, nhất là trước thực tế biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đòi hỏi quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải nhanh, bền vững hơn.
Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh ta có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển sản xuất và xuất khẩu cây ăn quả. Vì thế, chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đang là định hướng lớn của tỉnh trong năm 2020 và những năm tới.
Song, muốn sản xuất cây ăn quả hiệu quả và bền vững, lâu dài, yêu cầu kỹ thuật, nguồn giống chất lượng rất quan trọng và đang được tỉnh rất quan tâm. Thông qua việc đánh giá lại đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hợp tác hỗ trợ của các đơn vị như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường đại học Nông lâm Huế… sẽ tổ chức hướng dẫn trồng mới, chuyển đổi những cây trồng hiệu quả thấp sang các loại cây hiệu quả hơn, có lợi thế xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất tại địa phương.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Tỉnh cũng sẽ quan tâm tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia liên kết hình thành các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi, từ đó, có điều kiện tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt giảm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh: Hoàng Anh