Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Quế Lấm là mô hình hiệu quả trước tình hình dịch diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Thừa Thiên Huế từ tháng 3/2019 và tính đến 17/2/2020 bệnh đã xảy ra trên 13.088 hộ chăn nuôi ở 173 thôn, 125 xã thuộc 9 huyện thị, thành phố với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 75.565 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 4.578 tấn. Hiện, toàn tỉnh đã có 113 xã chiếm 90% tổng số xã có dịch qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi và công tác phòng chống dịch là 138,72 tỷ đồng (5 đợt). Đến nay, các huyện thị, thành phố đã giải ngân 124 tỷ (89,52%) và đang tiếp tục giải ngân phần kinh phí còn lại.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 14.000 con lợn được tái đàn, trong đó lợn nái có 500 con (10% tổng đàn). Lợn tái đàn được nuôi phần lớn tại các trang trại đảm bảo an toàn sinh học.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp và các địa phương, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế. Các cơ sở hộ chăn nuôi đã xảy ra dịch chưa dám tái đàn vì chưa đầu tư nâng cấp chuồng trại theo hướng an toàn sinh học, chưa có vắc xin, thuốc phòng trị, nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm, động vật ăn cỏ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Chính quyền cần mạnh tay xử lý những sai phạm trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, giết mổ lợn trái phép. Trước tình hình dịch bệnh xảy ra ngày càng phức tạp, người dân cần thay đổi cơ cấu chăn nuôi. Chính quyền, ngành nông nghiệp cần có định hướng chấm dứt chăn nuôi lợn trong khu dân cư không đảm bảo an toàn, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo mô hình tập trung, an toàn sinh học
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đồng ý tổ chức triển khai thí điểm đề án phát triển đàn lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học dựa trên những những mô hình đã thành công như Quế Lâm hay CP để nhân rộng. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nhiều nguồn để đề án sớm được triển khai, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi mạnh dạn tham gia với định hướng lâu dài, tạo ra sản phẩm hàng hóa, phát triển theo chuỗi liên kết có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, cần đầu tư các hệ thống đảm bảo và giám sát xử lý ô nhiễm môi trường bền vũng để không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và cảnh quan sinh thái; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Tin, ảnh: Hoàng Anh