Anh Vũ Tiến Nô, dân tộc Pa Cô (ngoài cùng bên trái) được trao học bổng “Nuôi dưỡng đạo đức mỗi ngày”

Hôm trao học bổng, anh Nô xuất hiện với dáng vẻ rụt rè. Nói về công việc của mình ở trường, anh từ tốn: “Mình thương các em lắm. Các em còn bé, xa nhà, thiếu thốn nhiều thứ. Mình phải động viên, khuyên bảo các em khi không có bố mẹ bên cạnh”.

Anh Nô cho hay, Trường Dân tộc nội trú A Lưới hiện có 100 học sinh. Vợ chồng anh cùng hai con nhỏ cũng ở tại một căn phòng nhỏ trong trường. “Hàng ngày mình bảo vệ trường, chăm cây, sửa điện, nước khi hư và bảo ban các em học hành”, anh Nô kể về công việc.

Và có rất nhiều công việc không tên, cũng không có trong hợp đồng lao động mà ngày ngày người bảo vệ trường ấy luôn thực hiện. Đó là nhắc nhở các em ngủ đúng giờ, buổi sáng phải dậy sớm tập thể dục. Xem em nào bị ốm, em nào thiếu chăn màn. “Các em xa nhà, bố mẹ không đến thăm được. Suất ăn ở trường còn thiếu thốn nên thương lắm” - anh Nô trầm tư.

Xa nhà, rồi ở lứa tuổi mới lớn, anh Nô như thấu hiểu được những khó khăn mà các em học sinh đang gặp phải khi xa nhà. Không phải em nào cũng chăm, cũng ngoan. Có em đã trưa vẫn chưa dậy. Có em hay quên đeo khăn quàng khi đến lớp. Có em đi xe đạp điện không chịu đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn. Có em lại đua đòi mang váy ngắn, tô môi khi còn nhỏ…

Như một người anh, một người cha, anh Nô ngày ngày gần gũi, nhắc nhở, uốn nắn các em từng tý, từng tý một. “Mình nói các em phải gắng học để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô và cha mẹ. Học để biết được điều hay, lẽ phải, biết làm người tốt.  Khuyên một lần không  nghe thì khuyên nhiều lần. Rồi nhờ bạn tốt kèm cặp”, anh Nô chia sẻ kinh nghiệm.

Mải nói về các em học sinh, nhắc đến bản thân mình, anh Nô bỗng như chạnh lòng. Từng học đại học chuyên ngành kế toán, chưa xin được việc, anh nộp đơn và được tuyển vào làm bảo vệ ở trường, với mức lương 2 triệu đồng mỗi tháng. Vợ anh hiện chưa có việc làm, ở nhà chăm con.

Không phàn nàn về khoản thu nhập ít ỏi và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh Nô lại say sưa chia sẻ về sở thích chơi cờ tướng của mình. Anh khoe, năm ngoái đã giành giải khuyến khích môn cờ tướng cấp huyện.

Đón nhận món học bổng từ tay TS. Nguyễn Thanh Tùng, đôi mắt sáng của anh Nô ánh lên niềm vui.

Học bổng không nhiều nhưng đã tìm đến đúng địa chỉ cần đến, để phát hiện, động viên, khích lệ tấm lòng ấm áp của những người như anh bảo vệ nghèo ấy, đã lan tỏa nghĩa cử đẹp trong môi trường giáo dục, từ công việc thầm lặng và tưởng như nhỏ bé.

Bài, ảnh: Kim Oanh