Đường cứu hộ - cứu nạn đang thi công qua đoạn xã Phong Chương (Phong Điền)
Xuất hiện 12 vết nứt
Đường cứu hộ - cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc dài 16,25km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A tại thị trấn Phong Điền, điểm cuối tại bãi biển xã Điền Lộc (Phong Điền) với kết cấu mặt đường đoạn Km0 – Km3+350, mặt đường bê tông nhựa dày 12cm; móng cấp phối đá dăm dày 45cm và đoạn Km3+350 – Km16+252 mặt đường bê tông xi măng M350 dày 26cm; móng cấp phối đá dăm dày 18cm.
Công trình được triển khai thi công từ năm 2012, do liên danh Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thành Công và Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế giao thông Thừa Thiên Huế lập khảo sát thiết kế và Công ty Cổ phần xây dựng Thành Đạt đảm nhận thi công.
Gần đây, trên đoạn tuyến từ Km3+350 – Km9+800 với chiều dài 6,5km đã thi công hoàn thiện nền và mặt đường bê tông xi măng, xuất hiện các vết nứt, gây nghi ngại về chất lượng công trình. Theo Ban QLDA, qua kiểm tra của chủ đầu tư, đoạn tuyến này hiện có 12 tấm bê tông xuất hiện vết nứt (9 vết nứt ngang và 3 vết nứt chân chim) trên tổng số đã thi công là hơn 2.600 tấm, chiếm khoảng 0,45% tổng diện tích mặt đường. Hai bên mép khe không bị sứt mẻ lớn, không xảy ra chênh lệch cao độ.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA thông tin, sau khi kiểm tra hiện trường và xem xét toàn bộ quá trình thi công, đơn vị nhận thấy nền và mặt đường không có hiện tượng sụt lún, độ bằng phẳng và độ nhám mặt đường đảm bảo; các tấm bê tông bị nứt không có chênh lệch về cao độ so với thiết kế ban đầu và các tấm bê tông lân cận; các tấm bê tông xuất hiện các vết nứt là các tấm bê tông đổ sau để hoàn thiện mặt đường.
Ngoài ra, trong 12 tấm bê tông xuất hiện vết nứt có 2 tấm nằm trên lề đường - khu vực không chịu tải trọng lớn của các phương tiện trong quá trình thi công. Chất lượng mác bê tông, kích thước hình học, độ bằng phẳng, độ nhám của các tấm bê tông đều đảm bảo theo yêu cầu của thiết kế.
Xử lý trong 20 ngày
Theo chủ đầu tư, các vết nứt sẽ được xử lý hoàn thiện trong 20 ngày
Ban QLDA cho rằng, sau quá trình khảo sát, đơn vị này nhận định các tấm bê tông xuất hiện vết nứt là “căn bệnh” cơ bản của mặt đường bê tông. Trong quá trình làm việc các tấm bê tông hấp thụ nhiệt từ ánh nắng mặt trời làm cho các tấm bê tông co giãn, khi các tấm co giãn không đều sẽ gây ra hiện tượng nứt. Do vậy, trong xây dựng, mặt đường bê tông xi măng ít được sử dụng so với mặt đường khác.
Tuy nhiên, mặt đường bê tông xi măng có ưu điểm là giá thành rẻ (do tận dụng được vật liệu địa phương) và thời gian sử dụng lâu dài. Nếu để mặt đường không bị nứt thì trong mặt đường phải có kết cấu cốt thép, trong trường hợp này giá thành dự án sẽ rất cao. Đối với các dự án giao thông nông thôn, chỉ chịu tải trọng xe nhỏ, mặt đường bê tông mác thấp hơn, sự co ngót của bê tông sẽ ít hơn (do lượng xi măng ít hơn), vì vậy sẽ ít nứt hơn.
Ông Nguyễn Văn Cường khẳng định, sau khi kiểm tra xem xét tại hiện trường, nhận thấy đây là dạng nứt nhẹ với vết nứt sâu hết chiều dày của các tấm bê tông, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công khoan 3 vị trí tại các tấm bê tông bị nứt để kiểm tra chất lượng bê tông nhằm có cơ sở khẳng định chất lượng bê tông mặt đường và sử dụng máy cắt bê tông để cắt khe và đục bỏ bê tông xi măng cũ trong phạm vi 30cm ở mỗi bên của khe nứt.
Sau khi cắt sẽ khoan để đặt thép neo, tạo nhám mặt vách, quét keo dính bám sau đó đổ bê tông xi măng miếng vá bằng hỗn hợp bê tông xi măng đông cứng nhanh và đầm kỹ bằng đầm chấn động.
Đoạn từ khu công nghiệp đến Tỉnh lộ 4 đang hoàn thiện nền đường
“Do thời tiết đang mưa nên dự kiến thời gian sửa chữa sẽ bắt đầu từ thứ 2 tuần tới và hoàn thành chậm nhất sau 20 ngày”, ông Cường cho biết thêm.
Ban QLDA cũng cho rằng, theo quy định tại Quyết định 1951/QĐ-BGTVT ngày 17/8/2012 của Bộ GTVT về ban hành quy định tạm thời về kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường bê tông xi măng trong xây dựng công trình giao thông thì sai số cho phép đối với mặt đường bê tông xi măng về bong tróc, nứt, hở đá, khuyết cạnh, sứt góc (đối với đường cao tốc, cấp I, cấp II, cấp III) là 2%, được tính bằng cách đo diện tích thực và tính tỷ lệ so với tổng số diện tích. Do đó, công tác nghiệm thu vẫn đảm bảo.
Ngoài ra, Ban QLDA đã tiến hành kiểm tra mặt đường bê tông xi măng tuyến tránh thị trấn Khe Tre thuộc Dự án đường La Sơn - Nam Đông - có kết cấu mặt đường tương tự với đường cứu hộ- cứu nạn Phong Điền- Điền Lộc. Qua đó, phát hiện ra các vết nứt giống tuyến đường cứu hộ- cứu nạn và chủ đầu tư cũng đã yêu cầu nhà thầu thi công sửa chữa.
Đường cứu hộ- cứu nạn Phong Điền- Điền Lộc đến nay đã thi công cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục nền đường, mặt đường bê tông nhựa lớp 1 dày 7cm từ Km0 – Km3+350 (từ Quốc lộ 1 đến cổng vào khu công nghiệp Phong Điền); hoàn thành nền, mặt đường bê tông xi măng từ Km3+350-Km9+800 (đoạn từ cổng khu công nghiệp Phong Điền đến Tỉnh lộ 4) với giá trị xây lắp khoảng 164 tỷ đồng. Giai đoạn 2 cho công trình sẽ được bố trí vốn 400 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2020 là 100 tỷ đồng. Chủ đầu tư đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng đoạn tuyến còn lại. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên