Tác phẩm “Ngoại ô thương nhớ” của Phi Tân

Đọc sáu mươi tư bài viết trong “Ngoại ô thương nhớ” dày 270 trang cũng đủ để “bắt mạch” được tài văn của Phi Tân. Tân viết câu chữ gọn gàng, ấm áp tình cảm, chân chất, mộc mạc mà tinh tế nhưng cái tài nổi bật của Phi Tân là kể chuyện. Tân kể những câu chuyện xoay quanh cuộc sống ở làng Điền Lộc quê mình: Chuyện mưa nắng, ruộng đồng, chuyện làng, chuyện nhà, bạn bè, thầy cô, những trò chơi trẻ con, những món ăn dân dã quê mùa... Hàng ngày đó thôi, có chi to tát mô, thế mà vào chuyện của Phi Tân, nó duyên chi lạ. Nó duyên qua lối Phi Tân biết cách dùng từ trong văn nói, ngôn ngữ địa phương đưa vào câu chuyện, đúng lúc, đúng nơi nên trở thành đặc biệt, hài hước, thông minh mà chẳng quê chút nào: “Rứa là đêm nớ xóm tôi chơi bolero gần suốt sáng. Mà có đàn điếc chi mô, chỉ mấy cái muỗng gõ leng keng mà bài mô bài nấy vô ngọt dệ sợ”, “hồi trước thanh niên ở làng muốn đi gò gái thì phải lận lưng dăm ba bài bolero để giao lưu. Eng mô khô khan quá thì cũng cất được đôi ba câu kiểu: Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau, tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu”). Gần như bài nào cũng là lối kể chuyện có hơi hướm tếu tếu, ẩn dấu đâu đó một nụ cười hóm hỉnh, nghịch ngầm như cảnh trai làng mới lớn đi tán gái làng bên, bị trai làng bên phạt “tát nước rạch nưa”. Phi Tân biết cách làm vui câu chuyện kể: “Bà cố gói cho tôi một gói: “Con mang ruốc sả về mà ăn!”. Tất nhiên từ nhà ông bà cố về đến nhà, tôi cũng thử vài miếng...” (Hơi ấm mùa đông).

Nhưng có lẽ cái làm nên sức nặng trong những câu chuyện kể là những tình cảm, yêu thương trân trọng mà Phi Tân dành cho gia đình, bạn bè, bà con, vùng đất làng quê mình, cho cuộc sống nghèo khổ một thời, cho những cái đang còn và cả những cái đã mất. Những dấu lặng tình cảm ấy bàng bạc khắp nơi và thường kết đọng ở cuối bài. Đôi khi nó khép lại như một chiêm nghiệm về cuộc đời, là lời tự sự chân thành “Vậy mà, đã có những lúc tôi cũng lãng quên sự tĩnh lặng của ngoại ô trong hơi thở gấp gáp của đời sống thị thành” (Ngoại ô thương nhớ), đôi khi nó mở ra một niềm thương xa xót “Những “đời hến” lặn lội hôm sớm với những sản vật của sông để lo cái ăn cho gia đình mà chưa một lần son phấn, hội hè, như o bạn xóm vạn đò đã tặng tôi bì hến của dòng sông quê ngày nào” (Đời hến), “Hỏi chuyện mới biết cô bé là con gái út của O bán chè xanh: “Mạ em mất đã mấy năm rồi!” Uống chén nước chè xanh mà lòng thấy rưng rưng bồi hồi”. Không còn là ký ức của một cậu bé nông thôn quê mùa mà đã hiện lên bóng dáng một người đàn ông bao dung, nhân hậu, đầy chiêm nghiệm sống. Lòng trắc ẩn là hạt ngọc của văn chương, là câu chuyện của trái tim, vượt lên chữ nghĩa, câu từ. Ngọc như thế cũng là một giá trị trong tạp văn của Phi Tân.

“Ngoại ô thương nhớ” có kết cấu ba phần: “Chuyện làng”, “Nhớ Tết” và “Chút phố”, ứng với hai chặng đời thực của Phi Tân là tuổi nhỏ học ở làng, lớn lên học đại học - làm việc - lập gia đình và định cư ở phố. Dù đã tách bạch bối cảnh “làng”, “phố”, thì cả ba phần, những câu chuyện Phi Tân kể đều châu tuần về đời sống, con người, phong tục, tập quán của một làng quê thuần nông ven sông Bồ. 64 tạp văn là 64 mảnh ghép, Điền Lộc hiện lên, tưởng như là riêng của Phi Tân, riêng của Phong Điền, riêng của Thừa Thiên Huế, mà lạ kỳ là ai cũng thấy có quê ấy có mình trong đó vì nó mang lối sống chung của nông thôn Việt. Con người thì chăm chỉ, thật thà, đầy yêu thương và trách nhiệm: Ông bà cố Tân, bà nội, ba, mạ hay những ôn trong họ, các chú, bác, mụ, thím... trong làng vừa biết làm ăn, nuôi dạy con cái, vừa biết giữ gìn tình cảm làng xóm, lề lối chuyện làng, chuyện họ tộc.

Cảnh vật thiên nhiên thì làng trước sông, sau biển, rồi thêm độn cát, qua phá qua truông... làng quê Việt nào, dù khác địa hình, thì những khó khăn ấy vẫn là giống nhau. Trẻ con trong làng thì bao trò hoanh nghịch, theo cha ra đồng, theo mạ đi chợ, bưng thức ăn cho ông bà, nằm ngắm sao, ngắm trăng mà mơ ước xa xôi... đứa trẻ nào cũng có vài lần như thế và đặc biệt hình ảnh mạ Tân, bà mạ sớm hôm ruộng vườn, tần tảo chợ hôm chợ mai mua bán để nuôi con cũng là nét hy sinh thầm lặng của bao bà mẹ Việt. Cho nên quê ấy có trong mỗi người. Ai cũng thấy mình như đang trôi về một thời tuổi thơ, tận hưởng những mối tình chung mà Phi Tân kể trong chuyện: tình ba mạ thương con cái, tình hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, tình bạn bè thời “cắt cỏ chăn trâu”, tình quê trong nắng mưa, lụt bão...

Vẽ nên một đời sống nông thôn sống động từ ký ức, Phi Tân cũng cung cấp nhiều tư liệu quý về phong tục, nếp sống dễ đánh mất trong tương lai như con trai đến tuổi phải có lễ “xin vô họ” mới được xem là trưởng thành; chạp làng mâm cộ thịt côi xôi dưới, cảnh tát nước bằng bộ tròn trào, ngay cả câu nói “Mệ kêu mấy đứa bây như kêu đò Ca Cút” cũng đã trôi vào dĩ vãng khi cây cầu Tam Giang hoàn thành năm 2010, chấm dứt những tiếng gọi đò.

Bao nhiêu điều đã mất như thế, bao nhiêu cái đang còn và sẽ mất, sẽ thay đổi, không ai biết được. Nhiều làng quê bây giờ đã lên phố, những người “làng trong phố” ấy, chỉ cần “trút bộ áo quần thành thị ra là thành người của làng” sẽ như Phi Tân, thương nhớ bao nhiêu làng quê mình. “Ngoại ô thương nhớ” là nỗi nhớ của nhiều người. Phi Tân viết nhiều đoạn văn rất đẹp, bình yên đến lạ “Một buổi trưa nào đó, ngồi trong một khu vườn ngoại ô của làng Lại Thế, thấy lòng nhẹ tênh như cây cỏ...”. Tôi cũng đã bình yên như thế khi gấp trang sách cuối cùng trong tập tạp văn đầu tay của Phi Tân.

Bài: XUÂN AN - Ảnh: TL