Tiêm chủng cho trẻ

Theo ThS. BS. CK2 Phan Đăng Tâm, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tiêm vaccine đúng thời điểm và đúng lịch là rất quan trọng và cần thiết, để kịp thời phòng được bệnh đã tiêm và để không nhầm lẫn với bệnh khác. Nếu trong thời điểm này trẻ bị ho hay sốt, các phụ huynh sẽ rất hoảng sợ. Không biết triệu chứng này do COVID-19 hay do bệnh khác, vì một số triệu chứng của nhiễm COVID-19 giống như cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.

Các cơ quan chức năng và toàn xã hội đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cho đến nay, Thừa Thiên Huế vẫn chưa ghi nhận trường hợp bị mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 nào. Do vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Tuy nhiên, khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần lưu ý tuân thủ đúng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19, như: đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn.

Hiện đang là thời điểm đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19, nhiều phụ huynh lo lắng việc tiêm chủng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo, nên tính trì hoãn tiêm chủng đúng lịch. Tuy nhiên, không phải loại vaccine nào trì hoãn tiêm chủng cũng an toàn đối với trẻ.

ThS. BS. Phan Đăng Tâm cho biết, việc trì hoãn tiêm chủng chỉ xảy ra khi trẻ có bệnh cấp tính, có sốt hoặc rơi vào các trường hợp tạm hoãn theo Quyết định 2470/QĐ-BYT về “Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em” của Bộ Y tế, hoặc thuộc trong các trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức tiêm chủng được như bão lụt, không có vaccine… Tuy vậy, việc trì hoãn tiêm chủng sẽ dẫn đến các bất lợi cho trẻ. Trẻ có thể bị mắc bệnh trong thời gian trì hoãn, hoặc nếu sự trì hoãn kéo dài sẽ khiến trẻ vượt qua độ tuổi được chỉ định tiêm chủng một số loại vaccine. “Tất nhiên, nếu trẻ có tiền sử tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc đã nhiễm COVID-19, cần cho trẻ cách ly trong 14 ngày. Trong vòng 14 ngày, nếu trẻ bị sốt, nên ngừng tiêm phòng”, BS. Tâm nhấn mạnh.

Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, để đảm bảo trẻ được tiêm chủng an toàn, tránh lây lan bệnh dịch, cơ sở tiêm chủng thực hiện ngoài những các biện pháp được cơ sở tiêm chủng thực hiện, như: tiến hành chia nhỏ các nhóm đối tượng trong một buổi tiêm; mời các nhóm đối tượng đến theo từng giờ, tránh tình trạng tập trung đông người do đến cùng thời điểm; bố trí điểm tiêm chủng rộng rãi và thông thoáng.

BS. Phan Đăng Tâm còn khuyến cáo đối với các bậc cha mẹ: Trước khi tiêm chủng, cần khai báo tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng của trẻ cho cán bộ y tế. Mang khẩu trang cho mình và cho trẻ khi đến các cơ sở tiêm chủng, tránh tiếp xúc, tụ tập nói chuyện đông người. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Theo dõi trẻ tại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm và theo dõi tại nhà ít nhất 48 tiếng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cán bộ y tế để được xử trí kịp thời. Đặc biệt cần lưu ý, nếu trẻ có tiền sử tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc đã nhiễm COVID-19, cần cho trẻ cách ly trong 14 ngày theo quy định. Trong vòng 14 ngày, nếu trẻ bị sốt, nên ngừng tiêm phòng và đến cơ sở y tế khám, theo dõi, điều trị.

“Việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch rất quan trọng, góp phần đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng trong cộng đồng, không để dịch bệnh xảy ra”, BS. Tâm nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN