Vietcombank Chi nhánh Huế tiếp tục duy trì ổn định mức lãi suất huy động

Đầu năm mới, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Huế (Vietcombank Huế) tiếp tục duy trì ổn định mức lãi suất huy động (LSHĐ). Cụ thể, LSHĐ kỳ hạn 1-2 tháng là 4,3%/năm, 3 tháng là 4,8%/năm, 6-9 tháng là 5,3%/năm, từ 12 tháng trở lên là 6,8%/năm.

Ngoài duy trì ổn định mức lãi suất tiền gửi, các ngân hàng thương mại cũng hút khách bằng chương trình lì xì cho khách hàng đến gửi tiết kiệm, tùy theo khoản tiền gửi và kỳ hạn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc Vietcombank Huế thông tin, đơn vị triển khai gần 55.000 phần quà tặng với tổng giá trị lên đến gần 3 tỷ đồng sẽ được Vietcombank trao tặng cho các quý khách hàng trong chương trình “Đón lộc đầu xuân Tết Canh Tý 2020”.

Đầu năm mới thông thường người dân có nhu cầu gửi tiết kiệm cao vì trước và sau tết có thu nhập khá dồi dào. Các ngân hàng, ngoài duy trì LSHĐ phù hợp còn tư vấn cho khách hàng, triển khai các chương trình nhằm thu hút người gửi...

Chị Lê Thị Thu (Phú Mỹ, Phú Vang), một khách hàng cho biết: “Đầu năm mới với lãi suất như hiện nay, việc người dân chọn mang số tiền nhàn rỗi của mình gửi tiết kiệm tại ngân hàng để cuối năm có một nguồn thu đáng kể là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Trong khi việc đầu tư vào các kênh khác đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn”.

Tương tự, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Thừa Thiên Huế, LSHĐ vốn từ cuối năm 2019 đến nay không thay đổi. Cụ thể, LSHĐ dưới 6 tháng 4,8%/năm, dưới 12 tháng 5,4%/năm và từ 12 tháng trở lên 6,8%/năm.

Agribank Chi nhánh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Agribank- Chi nhánh Thừa Thiên Huế đánh giá, đầu năm 2020 đã xuất hiện những dự báo khó khăn trong huy động vốn của hệ thống ngân hàng, tác động của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu, dịch COVID-19 lan đến Việt Nam tạo ra những tác động xấu nhất là trong khu vực dịch vụ du lịch. Các dự án lớn của tỉnh chậm tiến độ, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng.

Với lãi suất ổn định, các chi nhánh của Agribank Thừa Thiên Huế đã huy động từ dân cư hơn 260 tỷ đồng, tạo nguồn vốn đầu tư cho nhu cầu đầu tư vụ đông xuân 2020 của nông dân, nhu cầu thanh toán hàng hoá trong và sau dịp tết cổ truyền và bù đắp phần nguồn vốn các doanh nghiệp đã rút để chi lương thưởng cho CBCNV trong dịp cuối cũng như đầu năm mới.

Nhằm giảm thiểu khó khăn, khắc phục thiệt hại gây ra bởi dịch COVID-19, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân, bao gồm nhiều ưu đãi về lãi suất vay vốn, tiền gửi và dịch vụ ngân hàng điện tử.

Theo đó, từ ngày 14/2/2020, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các lĩnh vực vay vốn cụ thể gồm: nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Điểm đặc biệt của gói tín dụng này là khách hàng của BIDV sẽ được hưởng mức lãi suất hỗ trợ cố định chỉ 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.

BIDV-Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tại đơn vị đang thống kê các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quan hệ với chi nhánh, bị ảnh hưởng trong sản xuất kinh doanh bởi dịch COVID-19. Trong đó, tập trung ở các lĩnh vực được vay vốn như nông sản, thủy sản, du lịch và xuất khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc. Lãi suất cho vay có thể giảm từ 1-2%, nhưng thời điểm hiện nay mới chỉ thống kê danh sách các đơn vị, chưa có lãi suất cụ thể. 

Ngoài ra, BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm và từ 7,5%/năm cho các khách hàng cá nhân thông thường vay sản xuất kinh doanh...

Theo Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Thừa Thiên Huế, đầu năm đơn vị đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp; bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM/POS hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Hà Nguyên