Cây cô đơn tại xã Quảng Phú trong phim "Mắt biếc" vẫn đang thu hút lượng lớn du khách đến check-in
Tạm đóng cửa để phòng bệnh
Từ khi bộ phim “Mắt biếc” được công chiếu, cùng với "cây cô đơn", Trường tiểu học Đo Đo là hai điểm thu hút đông du khách nhất đến “check in”. Theo người dân địa phương, có những ngày, Hà Cảng đông như hội, hàng trăm du khách đã đến thăm thú, làng quê nay rộn ràng, sôi động hơn. Hà Cảng như bao làng quê khác, nay được cả nước biết đến.
Các công ty lữ hành ở Huế cũng đã có sự kết nối, đưa hai bối cảnh trong phim vào tour tuyến mới. Đặc biệt, bối cảnh phim “Mắt biếc” được đưa vào danh sách các điểm đến mới, hỗ trợ cho du lịch di sản và làm tăng tính đa dạng cho du lịch Huế từ cuối năm 2019. Đến hiện tại, sức hút của "cây cô đơn" và Trường tiểu học Đo Đo vẫn không hề sụt giảm.
Tuy nhiên, những ngày qua, khi du khách đến không thể vào Trường tiểu học Đo Đo để tham quan. Ở phía ngoài cánh cổng đã bị khóa có treo tấm biển “cấm vào”. Các tấm bảng có ghi Trường tiểu học Đo Đo mà đoàn làm phim “Mắt biếc” để lại trước đó cũng hạ xuống. Nhiều du khách đến, nhưng không thể vào chụp ảnh nên đành phải ra về.
Một giám đốc doanh nghiệp lữ hành cho biết, Trường tiểu học Đo Đo được giới thiệu là một điểm du lịch mới, đang mời chào khách đến tham quan, song khi đến đây lại không thể vào. Nếu có lý do nào đó, phía cơ quan chức năng cần thông báo rộng rãi để công chúng biết và tránh mất công đến.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Điền cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-2019, trong khi năng lực quản lý của chính quyền địa phương còn hạn chế, mà điểm đến, hành trình và sức khỏe của du khách không thể quản lý được, nên phương án khả dĩ phòng chống dịch bệnh lúc này là tạm thời đóng cửa. Địa phương mong du khách và các doanh nghiệp lữ hành thông cảm và chắc chắn Trường tiểu học Đo Đo sẽ mở lại khi tình hình dịch COVID-19 ổn định hơn.
Với khả năng của địa phương và HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thuận, việc đóng cửa tạm thời là điều có chấp nhận vì dịch bệnh COVID-2019 đang còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc từ chối khách hiện tại chưa thể làm du khách vui lòng để ra về. Thay vì để biển “cấm vào”, thiết nghĩ địa phương có thể để một tấm biển với nội dung: “Trước dịch bệnh COVID-2019, Trường tiểu học Đo Đo tạm thời đóng cửa không phục vụ một thời gian, mong quý khách thông cảm!”.
Cần có cách từ chối khách chuyên nghiệp và thân thiện hơn
Phải có lợi ích
Nhiều doanh nghiệp lữ hành đề xuất, bối cảnh phim “Mắt biếc” đang góp phần giúp Huế thu hút thêm khách, vì vậy, nếu có thể được, Trường tiểu học Đo Đo có thể nghiên cứu thời gian mở cửa, cử cán bộ để quản lý, theo dõi. Không cần phải mở cả ngày mà có thể chỉ mở theo giờ hành chính, hoặc theo giờ làm việc của HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thuận. Cùng với đó đặt một tấm biển ở phía ngoài cổng, du khách và lữ hành biết về thời gian mở cửa để tiện trong khai thác tour.
Sau khi nắm thông tin từ HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thuận, câu chuyện không chỉ là để phòng chống dịch bệnh, để việc mở cửa trở lại mang tính lâu dài và hiệu quả, địa phương, HTX và người dân ít nhiều phải có lợi ích từ việc khai thác du lịch. Nếu vẫn như lâu nay, HTX mở cửa, khách vào tham quan chụp ảnh rồi ra về, HTX vừa tốn công sức mà lợi ích không có sẽ khó bền lâu.
Thực tiễn từ các mô hình du lịch cộng đồng khác trong tỉnh cho thấy, để mô hình hoạt động hiệu quả, trước tiên Nhà nước phải có những hỗ trợ, giúp định hướng phát triển ban đầu; người dân cần có sự hỗ trợ đào tạo về kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ du lịch; cần có một cá nhân “cầm trịch”, hay doanh nghiệp đứng ra để điều hành mô hình; mỗi người dân tham gia vào một lĩnh vực trong chuỗi dịch vụ mà mô hình muốn khai thác… Chỉ khi lợi ích của những tổ chức, cá nhân tham gia được đảm bảo, mà ở đây đầu tiên lợi ích của HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thuận mới giúp Trường tiểu học Đo Đo mở cửa lâu dài.
Lãnh đạo huyện Quảng Điền thông tin, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có cuộc làm việc và đánh giá rất cụ thể về khả năng và kế hoạch phát triển du lịch ở Quảng Phú, cụ thể là "cây cô đơn" và Trường tiểu học Đo Đo. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng để Quảng Phú phục dựng lại hậu trường phim, đồng thời hình thành thêm một số dịch vụ để phục vụ du khách tốt hơn. Quan trọng là hướng đến khai thác, giúp địa phương có thu nhập lâu dài từ du lịch.
Phim “Mắt biếc” đã giúp quảng bá rất tốt hình ảnh về điểm đến, bước đầu kích thích du khách đến với Quảng Điền nói riêng và Huế nói chung. Để bối cảnh phim tồn tại và trở thành điểm đến lâu dài, việc duy trì, tăng cường khai thác thêm các dịch vụ đặc trưng của địa phương là điều cần phải làm thêm lúc này.
Bài, ảnh: Đức Quang