Du khách đến Huế được yêu cầu khai báo thông tin về sức khỏe (ảnh minh họa). Ảnh: Đăng Tuyên
Chưa có trong tính toán xây dựng
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, đối với khách du lịch nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ có hai phương án xử lý. Nếu khách đến từ Trung Quốc hay đã quá cảnh 1 trong 31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày gần nhất (đối tượng cách ly y tế tuyệt đối), các cơ sở lưu trú phải báo ngay cho cơ quan y tế chuyển đến cơ sở y tế để cách ly tuyệt đối. Trường hợp thứ 2, nếu khách không thuộc đối tượng cách ly y tế tuyệt đối, yêu cầu được đặt ra là thực hiện cách ly tại cơ sở lưu trú, có bố trí khu vực riêng.
Khi yêu cầu này được triển khai, không chỉ có các cơ sở lưu trú trong tỉnh mà cả nước đều vô cùng lúng túng. Bởi theo các cơ sở lưu trú, chưa bao giờ đặt ra phương án cách ly khách ngay tại khách sạn khi có dịch bệnh. Theo đó, kinh nghiệm xử lý, cũng như nhân lực, vật lực cho tình huống cách ly cũng không có.
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh, cái khó ở đây là thiết kế ban đầu cho việc cách ly không hề được đề ra. Trong các quy định xây dựng khách sạn, resort hiện nay cũng chưa có quy định nào về khu vực cách ly, mà chỉ dựng lại phòng y tế, nên các khách sạn không biết bố trí khu vực nào cho phù hợp.
Cơ chế phối hợp giữa khách sạn và y tế giúp phát hiện nhanh dịch bệnh
Dịch bệnh SARS 2003, tình huống xảy ra cũng khá tương tự như dịch COVID-19, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Bình, từ đó đến nay, trong quá trình xây dựng, hay định hướng phát triển lĩnh vực khách sạn của cả nước cũng không hề được đặt ra là có phòng cách ly, hay khu vực cách ly. Thậm chí, vấn đề này là chung của thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam.
Ông Phan Trọng Minh, Giám đốc điều hành Khách sạn Azerai La Residence cho biết, tất cả khách đến lưu trú ở khách sạn phải kiểm tra sức khỏe, nếu khách nào ho, sốt sẽ đưa đến ngay Bệnh viện Quốc tế Huế để được thăm, khám kỹ hơn. Ở trên thế giới cũng thế, việc cách ly ở khách sạn chỉ được áp dụng khi cơ sở y tế không thể đáp ứng được nhu cầu. Khách sạn được tận dụng như một bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh nào đó đã bùng phát.
Qua khảo sát, hiện đa số khách sạn đều có phòng y tế và càng cao sao sẽ có phòng y tế đạt chuẩn. Đây được xem như nơi để khách cách ly nghỉ ngơi, thăm khám trước khi được đưa đến các cơ sở y tế. Hầu hết các khách sạn cho rằng, phương án khả dĩ nhất hiện nay là cách ly khách ở phòng y tế, nếu khách sạn không có phòng y tế sẽ đưa khách đến khám tại cơ sở y tế.
Phối hợp nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Hữu Bình thông tin, dù khá lúng túng, song Hội Lưu trú đã lên phương án cho tình huống các khách sạn có thể dành riêng nguyên một tầng, resort dành riêng một khu để làm nơi cách ly khách.
Theo ông Bình, đối với Huế, sự can thiệp của ngành y tế với ngành du lịch vẫn có thể duy trì tốt, nên trước mắt nếu các du khách có sức khỏe không bình thường vẫn duy trì sự hỗ trợ của cơ sở y tế. Nếu diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, sẽ chuyển qua “chế độ” cách ly ở khách sạn và có sự hỗ trợ chặt chẽ từ y tế.
Đại diện Sở Y tế khẳng định, khi các cơ sở lưu trú cần có sự hỗ trợ, các đội phản ứng nhanh sẽ đến tức thì. Do đó, ngoài các yêu cầu về phòng chống dịch ở tại khách sạn, các cơ sở phải có sự chủ động để cung cấp thông tin. Trong y tế, sự việc càng phát hiện sớm bao nhiêu sẽ dễ kiểm soát được bấy nhiêu.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, khâu kiểm soát sức khỏe, lịch sử di chuyển của du khách chặt chẽ được xem là giải pháp quan trọng nhất hiện nay để hạn chế được việc cách ly khách ở khách sạn. Bởi khi thông tin sức khỏe của khách càng được cập nhật nhanh, cơ sở y tế càng sớm can thiệp xử lý.
Nghĩ về xa hơn, đối với những tình huống có thể lặp lại như COVID–19 trong tương lai, xây dựng một cơ chế phản ánh, phản hồi và xử lý nhanh giữa các cơ sở lưu trú và y tế vẫn là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, định hướng các khách sạn khi xây dựng mới phải có phòng y tế đạt chuẩn. Còn những khách sạn đã vận hành lâu nay cũng nâng cấp cơ sở vật chất, với phòng y tế. Riêng xây dựng khu vực cách ly trong khách sạn cũng có thể tính toán, bởi đối với ngành kinh doanh dịch vụ, nếu càng có nhiều phương án tốt, dự báo được trong tương lai sẽ càng tránh được rủi ro và thể hiện được sự chuyên nghiệp.
Từ dịch bệnh COVID-19 lần này cho thấy, sự chuẩn bị, một kịch bản đa chiều trong ngành du lịch cần được tính đến. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch cũng cần thống nhất các giải pháp để quá trình phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả.
Bài, ảnh: Đức Quang