Thủy điện A Lưới đảm bảo an toàn mùa mưa lũ
Chủ động ứng phó
Ông Trần Quang Tuấn ở xã Hương Vinh (TX. Hương Trà) luôn quan tâm, theo dõi quá trình điều tiết xả lũ về vùng hạ du sông Hương của các công trình thủy điện. Gia đình ông Tuấn cũng như hàng ngàn hộ dân địa phương nằm cuối nguồn sông Hương thường gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt.
Một trong những lo ngại của ông Tuấn cũng như nhiều hộ dân là với dung tích chứa tính riêng hai công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền trên dưới 1,3 tỷ m3 nước, nếu để xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả khôn lường cho các vùng hạ du và TP. Huế.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền, ông Trịnh Xuân Khoa thông tin, công ty thường xuyên kiểm tra độ an toàn, kiểm định chất lượng, duy tu bảo dưỡng các thiết bị, hạng mục công trình.
Ghi nhận của chúng tôi, trên công trình hồ thủy điện Hương Điền cũng đã đầu tư một số công nghệ, trang thiết bị hiện đại như hệ thống phần mềm dropbox, hệ thống scada nhằm kiểm tra, giám sát các hạng mục trên công trình thông qua mạng máy tính. Đây cũng là cơ sở quan trọng về quản lý mức nước trong hồ, các sự cố có thể xảy ra trên công trình để nhà máy tham mưu kịp thời với cấp trên nhằm tranh thủ sự chỉ đạo trong việc vận hành điều tiết, xả lũ hợp lý, khắc phục sự cố.
Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền (TĐBĐ) cho rằng, việc an toàn cho các công trình không chỉ là vấn đề trước mắt mà cả lâu dài. Các chủ công trình thủy điện luôn phải đảm bảo an toàn bền vững, tuyệt đối trong mùa bão, lũ cũng như quá trình vận hành sản xuất. Điều tiên quyết của các công trình không chỉ bảo vệ hồ đập mà còn an toàn cho các vùng hạ du. Quá trình kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng cho thấy, các hạng mục trên công trình, đặc biệt là thân đập luôn đảm bảo an toàn.
Trước mùa bão, lũ, Công ty CP TĐBĐ xây dựng kế hoạch ứng phó các tình huống khẩn cấp, sự cố có thể xảy ra. Tại công trình hồ TĐBĐ đã lắp đặt các trạm quan trắc đo lượng mưa tự động và khoảng 20 camera nhằm kiểm soát mực nước trong hồ khi xảy ra lũ lớn, khẩn cấp để có biện pháp ứng phó, điều tiết lũ về hạ du một cách hợp lý.
Chưa có dấu hiệu mất an toàn
Từ khi các công trình thủy điện đưa vào vận hành đến nay, tỉnh và các ban ngành đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó đối với các tình huống lũ lớn, gây mất an toàn cho các công trình. Trong đó phải kể đến việc lập dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều phương án khác.
Các chủ công trình thủy điện cũng đã nhận định một số sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa lũ; từ đó chuẩn bị các phương án, chủ động, sẵn sàng triển khai xử lý, khắc phục khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn công trình, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản vùng hạ du...
Từ hai năm nay, các chủ công trình thủy điện quan tâm đầu tư thích đáng, đầy đủ, chu đáo về hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giám sát mực nước, các hạng mục công trình trong mùa mưa lũ cũng như quá trình vận hành sản xuất. Đáng chú ý là việc lắp đặt, bổ sung camera giám sát tại các vị trí thượng lưu, hạ lưu đập, tại các cửa tràn, kết nối với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để giám sát, theo dõi và kịp thời tham mưu lãnh đạo tỉnh điều hành vận hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ một cách hợp lý, an toàn cho công trình và vùng hạ du.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ông Phan Thanh Hùng đánh giá, các chủ hồ đập tuân thủ khá tốt quy trình vận hành liên hồ chứa nước trên lưu vực sông Hương; có sự phối hợp thông tin, báo cáo với các cơ quan chức năng, các địa phương trong quá trình vận hành hồ chứa. Tuy nhiên, lâu nay, việc triển khai các phương án ứng phó bão, lũ còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng hình ảnh từ camera giám sát chưa thật sự rõ nét, ảnh hưởng đến quá trình nắm bắt thông tin về mực nước cũng như các sự cố trên công trình để có sự điều hành, quyết định vận hành hồ chứa an toàn trong mùa mưa lũ. Đến nay mới chỉ có hồ thủy điện A Lưới xây dựng nhận định nguy cơ vỡ đập và phương án ứng phó khẩn cấp. Các hồ còn lại chưa xây dựng phương án ứng phó khi có sự cố vỡ đập xảy ra; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt theo các cấp báo động và kịch bản điều tiết hồ chứa.
Theo chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ trong các cuộc họp mới đây, các chủ công trình hồ thủy điện tổ chức đúc rút kinh nghiệm quản lý, vận hành; đồng thời có sự quan tâm, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng công trình. Các chủ hồ đập đang tiến hành xây dựng phương án ứng phó khi có sự cố nguy hiểm, khẩn cấp như động đất, vỡ đập đe dọa tính mạng, tài sản vùng hạ du. Các đơn vị cũng tiến hành xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó mưa lũ lớn, kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống bất thường…đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Theo Sở Công Thương, trong quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 13 hồ thủy điện, tổng công suất lắp máy là 442,7MW, trong đó có 6 công trình đưa vào hoạt động. Các công trình luôn đảm bảo an toàn về chất lượng, chưa để xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào. 7 dự án đang triển khai thi công có tổng công suất lắp máy 112,5MW, gồm: A Lin B1, A Lin B2, A Lin Thượng, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Sông Bồ và Thượng Nhật. Sau khi các hồ thủy điện còn lại hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc cắt lũ, giảm lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng hạ du, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: Hoàng Triều