Máy ép dầu lạc bằng thủy lực do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ một phần kinh phí nâng công suất lên gấp 5-6 lần so với máy ép thủ công
Khai thác tiềm năng vùng nguyên liệu lạc trên địa bàn, nhiều năm nay cơ sở ép lạc Hồ Viết Lượng, xã Quảng Thái đã chuyển hướng từ trồng cây nông nghiệp sang nghề ép lạc và cung cấp dầu lạc ra thị trường. Tuy nhiên, do các công đoạn ép thủ công dựa vào sức người nên sản xuất nhỏ lẻ, nhân công đông và lượng dầu sau khi ép vẫn còn đọng lại trên bánh lạc nên hiệu quả kinh tế thấp.
Tháng 8/2019, cơ sở lập đề án KC xin hỗ trợ kinh phí đầu tư máy ép dầu lạc bằng thủy lực công suất 3 tạ lạc/ngày và được Sở Công thương phê duyệt. Đầu năm 2020, máy ép dầu lạc đưa vào sản xuất với tổng kinh phí 160 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 60 triệu đồng, giúp cơ sở phát triển quy mô, nâng công suất và xây dựng nhà xưởng để nhận ép dầu lạc cho các hộ dân trên địa bàn.
Chủ cơ sở, ông Hồ Viết Lượng cho rằng, sau khi đưa máy mới vào hoạt động, cơ sở đã nâng công suất lên gấp 5-6 lần so với trước nên ngoài việc chế biến dầu lạc để cung ứng ra thị trường, hiện mỗi ngày cơ sở nhận ép cho 10-15 hộ dân, trong đó giá ép 1 tạ lạc khoảng 200.000đ. Nếu vận hành hết công suất, mỗi ngày cơ sở có thể ép trên 3 tạ lạc, cho ra thị trường trên 100 lít dầu.
Theo Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền Hồ Ngọc Anh Tuấn, nguồn vốn KC đã hỗ trợ kịp thời để kích cầu các cơ sở công nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và gia tăng giá trị công nghiệp trên địa bàn. Năm 2019, nguồn vốn KC đã hỗ trợ thiết bị máy móc cho 3 cơ sở với tổng mức hỗ trợ gần 300 triệu đồng, góp phần giúp các cơ sở thay đổi máy móc, nâng công suất và tạo ra nhiều sản phẩm mới.
Ông Tuấn khẳng định, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp của huyện còn hạn chế thì nguồn vốn KC của tỉnh đã tạo động lực để kích dầu các cơ sở đầu tư máy móc. Hiện, phòng đã khảo sát, đánh giá và hướng dẫn 10 cơ sở lập đề án xin thụ hưởng vốn KC, trong đó tập trung các lĩnh vực như đầu tư máy móc tiên tiến chế biến nước mắm Tân Thành, mây tre đan Bao La và các thiết bị điêu khắc gỗ công nghệ mới…
Thống kê từ Sở Công thương, năm 2019 tổng kinh phí hoạt động KC trên 2,6 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí KC quốc gia chiếm 960 triệu đồng và KC địa phương gần 1,7 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này đã thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, qua đó các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại thay thế các thiết bị lạc hậu công suất thấp. Qua đánh giá, hiện một đồng vốn KC hỗ trợ đã thu hút 1,5 đồng vốn đầu tư của cơ sở, góp phần tăng doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho cơ sở sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn, năm 2020 nguồn vốn KC sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản và hàng lưu niệm - quà tặng phục vụ Festival Huế 2020. Ngoài ra, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo hướng đầu tư máy móc tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tiết giảm nhân công, đồng thời tạo điều kiện di dời các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư vào các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tập trung nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG