Trang trại gà của ông Trần Thiện Chương mỗi ngày đầu tư 5 triệu đồng mua thức ăn bởi gà chưa có người mua
Hạ giá nhưng không người hỏi mua
Trang trại của ông Trần Thiện Chương (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) hiện đang thả nuôi gần 6.000 con gà vừa lấy thịt, vừa lấy trứng, ngoài ra còn có số ít vịt các loại. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, nhu cầu thịt trường cao, trang trại của ông cho xuất bán 1.000 con gà với giá 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình ông lãi 30 triệu đồng. Song, từ ra tết đến nay, đàn gà gần 5.000 con còn lại không người hỏi mua.
“Với số lãi từ đợt bán gà trong tết, vợ chồng tôi quyết định đầu tư thêm một trại lạnh để chăn nuôi trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, khi trại đang trong quá trình xây dựng thì số gà còn lại không thể xuất chuồng, khiến chúng tôi “tiến thoái lưỡng nan””, ông Chương nói.
Hàng ngàn con gà tồn đọng, vợ chồng ông Chương quyết định thương lượng với lái buôn nhằm giảm giá gà so với giá mặt bằng thị trường chung nhưng vẫn không được chấp nhận.
“Những năm trước, dù giá cao hay thấp, đàn gà của tôi cũng được thương lái thu mua chỉ trong 3 ngày. Nhưng ra tết đến nay, chúng tôi chỉ bán được 60kg. Chúng tôi chấp nhận hạ giá so với mặt bằng chung nhưng cũng không ai hỏi mua. Riêng vịt đang rớt giá, chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg”, ông Chương buồn bã.
Bà Nguyễn Thị Gái (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) nuôi khoảng 1.000 con gà lẫn vịt, bà bảo nếu mức giá của gà dao động từ 55-57.000 đồng/kg thì người nuôi đã có lãi. Tuy nhiên, hiện nay, giá thức ăn đang tăng từ 10-20% cộng với việc gà bí đầu ra khiến dù giá cao nhưng người nuôi vẫn gánh lỗ.
“Gà đến tuổi xuất bán, nếu thương lái mua ngay với số lượng nhiều thì chúng tôi sẽ có lãi. Nhưng nếu thời gian thu mua kéo dài chúng tôi chắc chắn lỗ, bởi phải bỏ thêm chi phí cho tiền thức ăn, nhân công. Hiện, vì gà không thể xuất chuồng nên tôi phải bỏ ra chi phí thức ăn khoảng 3 triệu đồng/ngày”, bà Gái chia sẻ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc gia cầm bí đầu ra là bởi ảnh hưởng của dịch COVID -19. Thị trường tiêu thụ theo đó bị bó hẹp. Trong khi đó, thị trường nội địa bị ảnh hưởng vì những bếp ăn tập thể ở các trường học, cơ quan đơn vị gần như không hoạt động. Riêng việc giá chi phí thức ăn tăng cao vì những cửa khẩu nhập hàng đang được kiểm soát chặt chẽ bởi ảnh hưởng của dịch COVID -19.
Người chăn nuôi Quảng Điền kiểm tra dịch bệnh trên gà
Xây dựng chuỗi để đảm bảo an toàn đầu ra
Từ sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, tổng đàn gia cầm tại Thừa Thiên Huế tăng mạnh. Và đó cũng là nguyên nhân khiến lượng gia cầm hiện tồn đọng lớn trong thời điểm nhu cầu thị trường giảm sút.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền Phan Văn Lự cho biết, tại địa phương này, có nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi gà, vịt khiến tổng đàn gia cầm tăng nhanh, đến nay đã gần 600.000 con.
“Mặc dù giá gia cầm ở các tỉnh, thành khác giảm sâu nhưng ở Thừa Thiên Huế vẫn duy trì ở mức tương đối, đặc biệt là gà. Song, nhu cầu thị trường hiện thu hẹp khiến người nuôi gặp khó”, ông Lự cho hay.
Theo các chuyên gia, việc gia cầm bí đầu ra là điều tất yếu xảy ra trong thời điểm này bởi ảnh hưởng của dịch bệnh đang hoành hành. Theo đó, việc vận chuyển sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Thiếu kênh tiêu thụ chỉ mang tính tức thời.
“Nhiều trang trại tồn đọng hàng nghìn con gia cầm đang tới lứa xuất bán sẽ gây thiệt hại lớn đối với họ, người nuôi buộc phải chấp nhận và thích nghi. Giải pháp trước mắt là người chăn nuôi cần tìm cách chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, thông qua các đợt giao hàng không qua trung gian và đảm bảo chất lượng của sản phẩm mới hy vọng giảm bớt được sản phẩm tồn đọng”, NGND.PGS. TS Nguyễn Đức Hưng- Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế nêu quan điểm.
Gia cầm tại Thừa Thiên Huế chủ yếu được tiêu thụ nội địa và những năm trở lại đây được tiêu thụ tốt, dịch bệnh đến bất ngờ khiến thị trường tiêu thụ chững lại.
Nhà nông học, TS Lê Tiến Dũng nhìn nhận: “So với các vùng chuyên canh nuôi gia cầm ở các tỉnh khác, số lượng tại Thừa Thiên Huế không nhiều. Tuy nhiên, để có thị trường ổn định, buộc phải có kênh phân phối. Nghĩa là liên kết với đối tác để hợp đồng bao tiêu sản phẩm dưới sự kiểm soát, giám sát của cơ quan chức năng. Khi đó, chất lượng đầu vào lẫn đầu ra sẽ đảm bảo và thị trường không nghi ngờ về sản phẩm khi xảy ra dịch bệnh bất ngờ”.
Hiện, tại Thừa Thiên Huế có 2 chuỗi giá trị cung ứng gia cầm, đảo bảo về đầu ra. Chính thói quen muốn “ăn xổi” của người nuôi khiến họ không mặn mà trong việc xây dựng chuỗi. Song, cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi với quy mô lớn cần thiết phải xây dựng chuỗi để tạo ra tình bền vững về lâu dài.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh Hồ Đăng Khoa cho biết: “Hai chuỗi giá trị về gia cầm đang hoạt động tốt. Chuỗi giá trị tại Hương Thủy tiêu thụ khoảng 3.000 con gà/tháng. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để người nuôi xây dựng mô hình này. Thực tế, các trang trại quy mô lớn tại Quảng Điền không khó để xây dựng chuỗi, chỉ có điều người nuôi cần thay đổi tư duy sản xuất. Đó là giải pháp an toàn trong chăn nuôi hiện nay”.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn gia cầm trên địa bàn gần 400.000 con, trong đó tổng đàn gà đã hơn 300.000 con. “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt giám sát việc vận chuyển gia cầm và hoàn thành việc tiêm phòng cúm gia cầm trong vụ đông, đồng thời đẩy mạnh tiêm phòng vụ xuân. Giai đoạn này các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là thịt lợn đã ổn định, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Hiện, dịch COVID – 19 đang bùng phát nên các bếp ăn ở trường học không hoạt động, khách du lịch cũng giảm sút là một phần lý do sức tiêu thụ gia cầm thấp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, mặc nhiên thị trường sẽ ổn định hơn”, TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho hay. |
Bài, ảnh: Lê Thọ