Khu vực châu Á​ có đến 11 trong số 15 thành phố đối mặt với nguy cơ cao nhất từ hiện tượng nước biển dâng. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Các nhà nghiên cứu ngày hôm nay (27/2) lên tiếng cảnh báo, những thành phố lớn của khu vực châu Á, bao gồm Tokyo, Jakarta, thành phố Hồ Chí Minh và Thượng Hải có nguy cơ cao nhất từ hiện tượng nước biển dâng; đồng thời kêu gọi các nhà chức trách đầu tư nhiều hơn vào phòng chống lũ lụt, cũng như lên kế hoạch di dời tài sản và con người.

Nghiên cứu của Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft đã phân tích 500 thành phố với hơn 1 triệu cư dân trên toàn thế giới và xác định những nơi có khả năng đối mặt với mực nước biển dâng từ 67cm - 2m đến năm 2100, phù hợp với ước tính khoa học nếu tình trạng nóng lên toàn cầu gia tăng ở tốc độ hiện tại. Nghiên cứu phát hiện rằng, 11 trong số 15 thành phố có nguy cơ cao nhất nằm ở khu vực châu Á.

Ông Rory Clisby, nhà phân tích về vấn đề biến đổi khí hậu tại Công ty Verisk Maplecroft ở Singapore cho hay, chúng ta có xu hướng thích sống bên bờ biển. Ở châu Á, các thành phố có mật độ dân số cao "có xu hướng phát triển vùng đất mà những khu vực khác trên thế giới có thể sẽ rời đi".

Nhiều thành phố đang mở rộng nhanh chóng của châu Á là ven biển và vùng trũng, khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng mực nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt, như lũ lụt và lốc xoáy. Trong tuần này, những cơn mưa xối xả đã làm ngập lụt thủ đô Jakarta của Indonesia, lần thứ 2 trong năm 2020.

Nhằm giảm thiểu rủi ro lũ lụt, các quốc gia nên kết hợp "những lựa chọn kỹ thuật cứng và mềm", chẳng hạn như xây dựng các bức tường biển, tường rào ngăn thủy triều, và khôi phục rừng ngập mặn. Công tác phòng chống sẽ cần được gia cố mỗi thập kỷ hoặc lâu hơn, ông Rory Clisby nói thêm.

Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng tại những khu vực dễ bị lũ lụt và các dự án cải tạo đất "không thấu đáo" cần được dừng lại. Một số thành phố nên xem xét việc di dời các tài sản quan trọng đến những nơi an toàn hơn.

Trong một động thái liên quan, Indonesia đã lên kế hoạch dời thủ đô của mình đến đảo Borneo, khi Jakarta nằm trên bờ biển phía bắc của đảo Java đang dần chìm xuống và hứng chịu ngập lụt thường xuyên.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters & Devdiscourse)