Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trụ sở tại thành phố Mandaluyong, Philippines. Ảnh minh hoạ: Flickr/TTXVN

Các nguồn quỹ sẽ được dành cho tất cả các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB trong việc cập nhật và thực hiện các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh của họ, bao gồm mua sắm vật tư và thiết bị khẩn cấp; đánh giá hệ thống y tế và tác động kinh tế để cải thiện khả năng phục hồi trong tương lai; cũng như phối hợp tốt hơn trong khu vực để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với những dịch bệnh ở người và động vật.

Hoạt động này sẽ được tiến hành cùng sự phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Sự nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch COVID-19 đang gia tăng, và những đợt bùng phát dịch bệnh trong quá khứ đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và xã hội”, Phó chủ tịch ADB về Quản lý tri thức và Phát triển bền vững, ông Bambang Susantono nhận định.

“Việc tài trợ của ADB sẽ hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại hơn nữa đối với sức khỏe của các gia đình và nền kinh tế, cũng như ứng phó tốt hơn trước những đợt bùng phát trong hiện tại và tương lai”, ông Bambang Susantono nói thêm.

Trước đó vào đầu tháng 2, ADB đã hỗ trợ 2 triệu USD để tăng cường khả năng phản ứng ngay lập tức ở Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đối với dịch bệnh COVID-19.

Những dịch bệnh trong quá khứ đã chỉ ra rằng, tác động có thể nhanh chóng lan rộng đến tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế của một quốc gia, gây ra những cú sốc tài chính với hậu quả tiêu cực lâu dài, đe dọa sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, các quốc gia và doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành du lịch đặc biệt dễ bị tổn thương. Các chuỗi thương mại và cung ứng cũng bị ảnh hưởng.

Lê Thảo (Lược dịch từ ADB)