Dịch COVID-19 bên ngoài Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Reuters

Theo WHO, các phần tử tội phạm đang mạo danh là đại diện của WHO và tung ra các chiêu lừa đảo người dùng. WHO khuyến nghị rằng, nếu bất kỳ một người hoặc một tổ chức nào tự xưng là từ WHO liên hệ với bạn, bạn nên thực hiện các bước cần thiết để xác minh tính xác thực của đơn vị đó.

Một số hành vi đáng ngờ có thể kể đến như yêu cầu thông tin đăng nhập, gửi tệp đính kèm email không được yêu cầu, hướng mọi người đến một trang web khác ngoài trang www.who.int và yêu cầu quyên góp trực tiếp cho các kế hoạch phản ứng khẩn cấp hoặc lời kêu gọi tài trợ cho phòng chống dịch bệnh.

WHO khẳng định chắc chắn không bao giờ thực hiện bất kỳ yêu cầu nào trong số các điều trên và cảnh báo rằng, các trò gian lận có tiềm ẩn dưới dạng email, trang web, cuộc gọi qua điện thoại, tin nhắn văn bản và thậm chí cả fax.

Theo WHO, các email độc hại được gửi bởi những kẻ lừa đảo được gọi là các email lừa đảo trực tuyến. Những email này được giả mạo giống như được gửi từ WHO và yêu cầu các thông tin nhạy cảm, như tên người dùng và mật khẩu, yêu cầu người dùng nhấp vào các liên kết (đường link) đáng ngờ và mở tệp đính kèm độc hại. Thực hiện theo các hướng dẫn trong đó cho phép bọn tội phạm cài đặt những phần mềm có thể cung cấp cho chúng quyền truy cập hoặc làm hỏng máy tính của người dùng.

Tìm kiếm thông tin chính thức

Trong bối cảnh có rất nhiều tài khoản truyền thông xã hội chia sẻ thông tin về COVID-19, Tổng giám đóc WHO - ông Tedros Adhanon Ghebreyesus, kêu gọi công chúng nên tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thức (như trang web của WHO) để tìm cách bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng địa phương. Trang web của WHO luôn đăng tải các thông tin toàn diện, được cập nhật thường xuyên và từ những chuyên gia có chuyên môn và am hiểu tường tận về virus SARS-CoV-2.

Trong một dòng chia sẻ trên mạng xã hội, Tổng giám đốc Tedros thừa nhận sự lo lắng mà nhiều người đang cảm thấy về COVID-19, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị và lên kế hoạch để giữ an toàn tại nơi làm việc, trường học hoặc nơi thờ cúng trước sự bùng phát của dịch bệnh hiện nay.

65 quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng

Theo thông tin chính thức được cập nhật đến đầu giờ chiều ngày 1/3, dịch COVID-19 hiện đã lây lan đến 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng cộng 86.927 ca nhiễm, 2.982 ca tử vong, trong đó chủ yếu là ở Trung Quốc đại lục (79.824 trường hợp nhiễm bệnh, 2.870 ca tử vong). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở các nước bên ngoài Trung Quốc đang có diễn biến đáng lo ngại khi số ca nhiễm và tử vong có xu hướng tăng nhanh.

Tính đến ngày 1/3, Hàn Quốc đã có 18 người tử vong vì COVID-19, đồng thời ghi nhận thêm 376 ca nhiễm mới trong cùng ngày, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 3.526, trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong khi đó Australia, Mỹ và Thái Lan cũng báo cáo những ca tử vong đầu tiên, làm gia tăng nỗi lo sợ bùng phát dịch.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN & AFP)