Kiểm lâm Ban Quản lý RPH Bắc Hải Vân thiêu hủy bẫy thú

Manh động

Qua điều tra khảo sát của Dự án Trường Sơn Xanh mới đây, tài nguyên rừng BHV có hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng với  nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như các loài voọc ngũ sắc, cu ly nhỏ, gà lôi trắng, gà lôi hông tía, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, sơn dương...

Sự đa dạng, phong phú và giá trị kinh tế của các loài ĐVHD chính là “miếng mồi béo bở” của các tay săn bắt, buôn bán. Năm 2019, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (RPH) BHV đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị: Trạm Kiểm lâm Thừa Lưu, Đồn Biên phòng Lăng Cô, Công an thị trấn Lăng Cô, chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và ĐVHD.

Phó Đội trưởng Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý RPH BHV, ông Nguyễn Văn Lương cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, núi rừng hiểm trở, các lực lượng đã có nhiều nỗ lực, bảo vệ các loài ĐVHD.

Phó Đội trưởng Đội Chuyên trách Bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (RPH BHV), ông Nguyễn Văn Lương cho rằng, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, núi rừng hiểm trở, các lực lượng đã có nhiều nỗ lực, bảo vệ các loài ĐVHD.

Các lực lượng phối hợp tuần tra, giám sát, tháo gỡ trên 1.000 bẫy thú rừng, cứu hộ hàng trăm cá thể ĐVHD. Tuy nhiên, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ khiến hoạt động bảo tồn, bảo vệ ĐVHD gặp nhiều khó khăn. Từ săn bắt ban ngày, các đối tượng chuyển sang lén lút hoạt động cài đặt bẫy vào ban đêm, tổ chức đi phân tán; khi bị các lực lượng phát hiện và truy quét tận gốc liền chống đối quyết liệt.

Cuối năm 2019, trong khi ông Nguyễn Văn Lương đang làm việc tại cơ quan, bất ngờ bị đối tượng Lê Hưng ở thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc) xông vào dùng dao đe dọa, hành hung. Bị ông Lương khống chế, tước vũ khí, đối tượng Hưng sử dụng gạch bê tông đánh vào mặt khiến ông Lương bị thương tích nặng, tỷ lệ thương tích  21%.

Công an huyện Phú Lộc xác định, trước đó, cán bộ đội chuyên trách BVR tổ chức tuần tra, truy quét tại rừng, thu giữ nhiều tang vật bẫy thú, trong đó có bẫy của ông Lê Hưng. Phản ứng tiêu cực trước việc bị thu giữ tang vật hành nghề trái phép, Lê Hưng đã xông vào cơ quan đe dọa, hành hung kiểm lâm để trả thù. Vụ việc vừa được cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam ba tháng đối tượng gây án để điều tra làm rõ hành vi săn bắt ĐVHD trái phép và hành hung người thi hành công vụ.

Ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý RPH BHV cho rằng, đây là vụ việc điển hình, mới nhất và manh động nhất trong số nhiều vụ việc cán bộ kiểm lâm của đơn vị bị lâm tặc hành hung trước đó. Lâm tặc thường đi theo nhóm, dùng hung khí như dao, rựa, ném đá để tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi. Đó là lý do phần lớn các vụ việc chủ yếu chỉ thu giữ tang vật, không thể bắt giữ đối tượng vi phạm để xử lý, răn đe theo quy định của pháp luật.

Cần xử lý nghiêm

Ông Trần Quốc Hùng nhìn nhận, địa bàn do Ban Quản lý RPH BHV quản lý đang trở thành một trong những điểm thường xuyên xảy ra nạn săn bắt ĐVHD. Địa hình khu vực đèo Hải Vân rất phức tạp, chia cắt, độ dốc cao là “cơ hội” cho một bộ phận người dân sinh sống giáp ranh lợi dụng, lén lút săn bắt ĐVHD trái phép. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật rừng quý hiếm, gây suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng.

Bên cạnh yếu tố địa hình núi rừng hiểm trở, sự manh động của lâm tặc, những trở lực lớn hiện nay được ông Hùng nêu rõ, lực lượng BVR còn mỏng, địa bàn hoạt động rộng (hơn 10.517 ha), trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ tại đơn vị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn ĐVHD hiện nay. Một số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, BVR được xử lý thiếu nghiêm minh, kéo dài (nhất là đối tượng chủ mưu tổ chức và xúi giục người khác vi phạm) nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ.

Ban Quản lý RPH BHV kiến nghị, ngoài trách nhiệm, nỗ lực của đơn vị, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thường xuyên quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD đến với cộng đồng. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc chống đối, trả thù người thi hành công vụ; công khai thông tin về các vụ vi phạm, xử lý vi phạm về bảo vệ loài động vật nguy cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Luật Lâm nghiệp đã có hiệu lực, trong đó có Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cụ thể hóa các quy định để thực thi công ước CITES tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều