Làng nghề nước mắm Phú Thuận đã có thương hiệu, song vẫn còn thiếu hệ thống xử lý nước thải

Mất cơ hội

Toàn xã Phú Thuận hiện có hơn 25 hộ sản xuất nước mắm có quy mô, khoảng 100 hộ sản xuất nhỏ lẻ và hàng chục hộ thu mua dự trữ kinh doanh nước mắm, mắm. Trong đó, tập trung đông nhất ở thôn An Dương 3, chiếm 65% tổng số hộ sản xuất; 35% còn lại tập trung ở 2 thôn: An Dương 1 và An Dương 2.

Số hộ, quy mô sản xuất ngày càng tăng, nên cách đây khoảng 8 năm, xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, chính quyền địa phương đã đề xuất kiến nghị lên các cấp hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề nước mắm Phú Thuận.

Đến tháng 10/2017, UBND tỉnh đồng ý phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Hệ thống xử lý nước thải làng nghề nước mắm xã Phú Thuận với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, trên diện tích gần 0,8ha.

Kế hoạch sau khi dự án hoàn thành, địa phương sẽ quy hoạch đưa các hộ về sản xuất tập trung tại thôn An Dương 1, thuận tiện cho việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải, góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước thải, bã thải, mùi... trong cộng đồng dân cư.

Theo ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ngoài dành một phần đất trong khu quy hoạch bố trí cho hơn 20 hộ sản xuất tập trung, định hướng của xã sẽ kết hợp xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, lưu niệm các ngư cụ, dụng cụ của nghề ngư và nghề chế biến thủy sản để phục vụ phát triển du lịch.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm, dù chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã nỗ lực tiến hành các bước thủ tục để sớm triển khai, song dự án vẫn dùng dằng không thể thực hiện được và gần như phải bỏ cuộc từ cuối năm 2019. Nguyên nhân dự án không thể triển khai là do một bộ phận người dân ở thôn An Dương 1, nơi được chọn thi công công trình nhất quyết phản đối, vì theo họ đây là khu vực có nguy cơ sạt lở và sẽ phá rừng phòng hộ.

Theo chính quyền địa phương, qua khảo sát thực địa, đây là vị trí hợp lý và trong quy hoạch không thuộc rừng dương phòng hộ mặc dù có chức năng phòng hộ, đồng thời thuận lợi cho các hộ dân trực tiếp sản xuất tại địa phương.

Giải pháp tạm thời

Ông Nguyễn Quang Dân cho biết, để giải quyết tạm thời tình trạng xả nước thải, bã thải ra môi trường gây ô nhiễm, chính quyền địa phương vận động các hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm, các sản phẩm từ mắm chủ động xây dựng hầm rút xử lý tại nhà. Đối với xác, bã thải được thu gom phục vụ bón cho cây trồng.

Tuy nhiên, qua thực tế tại các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm có quy mô trên địa bàn 3 thôn: An Dương 3, An Dương 1, An Dương 2, hầu như nước thải từ các công đoạn làm nước mắm đều được thải trực tiếp ra đường, mương, cống chưa qua xử lý. Qua trò chuyện với những người làm công ở một cơ sở sản xuất nước mắm khá quy mô ở thôn An Dương 3, bình quân một ngày cơ sở này xay ra ruốc 25 thùng phi khuyết con, tương đương 3,7 tấn khuyết. Trước khi có sản phẩm để xay và cho vào lu đem phơi nắng phải qua các công đoạn: muối ruốc, ép nước, sàng, phơi, rửa sạch. Nước thải từ các công đoạn này được xả thẳng ra khuôn viên cơ sở, phần ngấm xuống đất, phần chảy tràn ra đường. Phần bã nhớp đọng lại trên mặt đường được xúc bỏ để khỏi ruồi nhặng, gây mùi hôi.

Thời vụ sản xuất các loại nước mắm gần như luân phiên kín các tháng trong năm. Lịch sản xuất nước mắm ruốc thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch cho đến khoảng tháng 3 âm lịch năm sau. Nước mắm cá được làm vào mùa hè. Vì thế, hầu như lúc nào trong các khu dân cư đều có một lượng không nhiều thì ít nước thải, xác thải được xả ra môi trường. Về lâu dài, nguy cơ ô nhiễm môi trường cục bộ sẽ ngày càng nặng thêm, nhất là khi các hộ sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng cơ sở, quy mô để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Theo lãnh đạo xã Phú Thuận, trường hợp không thể thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho làng nghề nước mắm Phú Thuận, để đảm bảo vệ sinh môi trường về lâu dài và ổn định sản xuất, địa phương sẽ vận động các hộ sản xuất có quy mô tham gia hoạt động sản xuất tại Cụm Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Thuận An đã được phê duyệt quy hoạch.

 Bài, ảnh: Hoài Thương