Ông Lâm gắn bó với nghề sửa máy may đã 1/3 thế kỷ
Cũ nhưng không cũ
Theo lời giới thiệu của một bậc lão làng sửa máy may tại Huế, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Lâm, ngụ tại đường Nhật Lệ, TP. Huế. Ông Lâm là cháu nội của cụ ông Nguyễn Xuân Thọ, thợ sửa máy may đầu tiên tại Huế.
Ông Lâm kể: “Ông nội của tôi lúc trước là thợ cắt tóc dạo tại Điền Hải, thành thạo sửa kéo, tông đơ. Sau này khi vào Huế lập nghiệp, ông có thêm nghề sửa kim khâu. Cũng từ đó, duyên nghề sửa máy may manh nha, trở thành nghề truyền thống của gia đình cho đến ngày nay”.
Sinh năm 1968, ông Nguyễn Xuân Lâm đã có kinh nghiệm 33 năm trong nghề. Một phần ba thế kỷ qua đi, nhắc đến nghề sửa máy may, ông Lâm nhận định: “Nghề nào cũng có cái hay và cái khó của nó. Quan trọng nhất là người học, xem thử họ đam mê đến ngang đâu, và có bám trụ lại với nghề hay không mà thôi”.
Máy may xuất hiện đã lâu, nó phục vụ cho nhu cầu may vá, giảm bớt sức lao động của con người. Nó cũng như các loại máy móc khác, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối để vận hành. Vì vậy, khi xảy ra sự cố hoặc trục trặc, chiếc máy may sẽ không thể làm việc. Đó là “vùng đất” để những người thợ sửa máy may trổ tài.
Nguyên lý cơ bản của máy may như nhau. Vào thời trước, sửa máy may tùy linh kiện, chi tiết không phức tạp như bây giờ. Nhưng ngược lại, để tìm ra nguồn linh kiện thay thế rất khó. Cũng chính vì thế mà tiệm sửa máy của ông Lâm từng có một thời nườm nượp khách hàng. Ông kể: “Có nhiều chi tiết máy cũng đơn giản thôi, ví như ốc vít, ổ chao, cần giật chỉ…, nhưng có tiền muốn mua cũng khó. Vì vậy tôi phải tự làm”.
Hiện nay, máy may cải tiến hơn nhiều, kết hợp máy móc với phần điện tử. Vì thế, người thợ sửa máy buộc phải lựa chọn, một là chuyên về phần máy, hai là học luôn phần sửa chữa điện tử. Ông Trương Quý Châu, kinh nghiệm xấp xỉ 30 năm trong nghề chia sẻ: “Đa phần thợ sửa máy tại nhà sửa phần máy móc, còn riêng mảng điện tử thì chỉ sửa căn bản. Phần điện tử phức tạp thì đã có nhà bảo hành hoặc trung tâm sửa chữa, chi phí khá “mềm”, vì thế thợ sửa máy vẫn có đất sống”.
Hiện nay có rất nhiều loại máy may với xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức. Đó là chưa kể những loại máy công nghiệp với bộ máy cồng kềnh, nhiều chi tiết, linh kiện phức tạp. Vì vậy, thợ sửa máy phải cập nhật liên tục để không bị tụt hậu so với máy móc, nhu cầu của thị trường.
Tình người
Ông Châu nhận hàng chục học trò, trong đó, với những thanh niên nghèo, ông sẵn sàng miễn học phí. Riêng ông Lâm, ông đã đào tạo cả trăm học trò. Đa phần học viên đều đã có công ăn việc làm ổn định trong các khu công nghiệp.
Cứ vào ngày 25 tháng 12 âm lịch, những người thợ sửa máy may lại gặp gỡ. Đây là dịp tụ họp và cũng là nơi những thợ sửa máy may lành nghề hàn huyên về niềm vui, cái khó khi sửa máy. Họ kể về những chiếc máy mới, những “chiêu” trị máy hỏng hóc nhằm phát triển, nâng cao tay nghề hơn. Điều đáng học hỏi ở họ đó là sự chân thành, cầu tiến và nhất là không giấu nghề. Ông Lâm kể: “Ngày thường cũng vậy, lúc khách hàng hỏi, hoặc cần phải sửa loại máy, hay chi tiết nào đó mới, khi không nắm bắt được thì tôi sẽ gọi cho học trò của mình, hoặc những đồng nghiệp”.
Sửa máy may không chỉ là một nghề, nó còn là nét chấm phá của một đời người. Trò chuyện với ông Châu, chúng tôi thấy được niềm đam mê với máy móc. Với ông Lâm, nghề sửa máy không chỉ là “cần câu cơm”, nó còn là truyền thống gia đình, là kỷ niệm của người ông, người cha yêu quý.
Bạn trẻ Trần Văn Phụng, sinh năm 1992 chia sẻ: “Chín năm trong nghề, có lúc mình chán nản, muốn bỏ cuộc. Đó là khi gặp máy lạ, hỏng hóc nhưng không sửa được. Là lúc bất lực không phát hiện ra sự cố xuất phát từ đâu. Thế nhưng cũng nhờ những chuyến xe đi lắp, sửa máy, lên cả vùng cao A Lưới, ra Quảng Trị…, mình gặp được nhiều người, ấm áp, thân tình vô cùng. Niềm vui ấy thật sự rất lớn lao”.
Nghề nào cũng có những thăng trầm, niềm hạnh phúc và gian lao mà chỉ những người trong nghề mới hiểu. Vì thế dù là thợ sửa máy may, hay một công việc nào khác, người làm nghề đều phải bỏ công sức, mồ hôi, thật sự đam mê để bám trụ. Hơn ai hết, thợ sửa máy may là những người đã tìm thấy niềm vui và hiểu giá trị của chiếc máy gắn bó với nhu cầu may mặc của con người.
Bài, ảnh: Mai Huế