Sau khi người dân trả lại đất dọc sông Hương đoạn sau khách sạn số 5 Lê Lợi đến hết Học viện Âm nhạc Huế, các xe chuyên dụng tiến hành san ủi
Những ngày đầu tháng 3, các hộ dân mượn đất dọc theo bờ sông Hương, đoạn từ phía sau khách sạn ở số 5 Lê Lợi kéo dài quanh qua nhánh mở vào sông An Cựu, giáp với cầu Ga đường Lê Lợi tất bật thu hoạch vụ rau màu cuối cùng sau nhiều năm trồng trọt ở triền đất giáp sông.
“Nhờ những thửa đất như thế mà chúng tôi trồng được nhiều vụ rau màu trong năm, vừa có ít rau sạch để bán, và làm thực phẩm phục vụ gia đình. Nay chính quyền kêu gọi trả lại để làm đẹp cho sông Hương chúng tôi dù hơi tiếc nhưng cũng vui lòng ủng hộ. Hy vọng nơi đây sẽ trở thành khúc sông ấn tượng, điểm tô cho thành phố” – một người dân canh tác ở đây tâm tình.
Người dân thu hoạch xong tới đâu, giao đất lại thì các xe chuyên dụng tiến hành san ủi để bắt đầu việc chỉnh trang, làm đẹp tuyến đường dọc theo bờ sông Hương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi con đường đi bộ uống vòng sông Hương đi qua đoạn này hoàn thiện, các thửa đất bồi dôi ra nằm giáp bờ sông sẽ được sản ủi bằng phẳng để trồng hoa, làm công viên, tạo nên một mảng xanh cho cung đường thơ mộng.
Cùng với đường đi bộ, bờ sông Hương, bãi đất bộ nằm ở giữa sẽ được trồng hoa, cây xanh tạo nên cảnh quan, trở thành điểm nhấn cho thành phố
Việc san ủi bằng phẳng đến nay cơ bản dọc theo bờ sông Hương đi qua đoạn này cơ bản hoàn thành. Chỉ còn đoạn nhánh từ sông Hương kéo vào sông An Cựu ngay phía cầu Ga cũng chuẩn bị được triển khai. Cùng với việc hoàn thiện tuyến đường đi bộ giáp sông Hương sau lưng Học viện Âm nhạc Huế, những khu đất vừa được lấy lại sẽ được chỉnh trang, tạo nên cảnh quan giúp con đường này trở thành điểm đến thú vị. Như thế, giúp đường đi bộ kết nối liên tuyến, kéo dài về đến Bến Tòa Khâm. Ở phía đối diện, con đường đi bộ ở bờ Bắc sông Hương cũng đã hoàn thiện, tạo nên không gian hài hòa cho hai bên bờ sông Hương chảy qua giữa lòng thành phố.
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế (đơn vị đang triển khai thực hiện việc mở rộng, chính trang đường dọc sông Hương) cho biết, tuyến đường đi bộ cơ bản đã hoàn thiện. Vì thế, việc triển khai san ủi dải đất chạy dọc đường đi bộ để trồng hoa, cây xanh cũng sẽ được thực hiện một cách gấp rút. Một khi việc này hoàn thành, sẽ tạo ra một hình hài hoàn toàn mới lạ, ở phía trên có đường đi bộ, phía dưới sẽ có đường hoa, và cạnh đó giáp sông. Quá trình thực hiện dự án này, hơn 20 hộ dân đồng thuận vui vẻ và bàn giao lại đất đã mượn trước đó để trồng rau màu nên không mấy trở ngại.
Theo ông Chinh, đoạn đi qua phía sau Học viện Âm nhạc Huế với chiều dài hơn 1km. Chiều rộng đất bồi từ đường đi bộ ra tới bờ sông Hương khác nhau, có đoạn nhô ra 8m, nhưng cũng có đoạn nhỏ hơn (6m).
“Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bởi quá trình thực hiện lấy tiêu chí tôn trọng địa hình thiên nhiên. Vì thế, chúng tôi cũng tránh né những cây xanh trên bãi đất bồi này”, ông Chinh nhấn mạnh.
Chỉnh trang lại đồi Vọng Cảnh, trở thành điểm đến hấp dẫn UBND tỉnh vừa cho biết, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị chỉnh trang lại đồi Vọng Cảnh, trở thành điểm đến ngắm cảnh công cộng, phục vụ cho người dân và du khách. Du khách tham quan, chụp ảnh trên đồi Vọng Cảnh, xa xa là sông Hương Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã kiểm tra thực tế. Ông Thọ cho rằng, đồi Vọng Cảnh là một trong những điểm đến với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều điều ngắm cảnh đẹp, có nhiều không gian có thể sử dụng với mục đích công cộng. Tuy nhiên, việc khai thác chưa hiệu quả, chưa hấp dẫn cũng như việc quản lý và sử dụng chưa phù hợp. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan sớm có phương án chỉnh trang toàn bộ khuôn viên khu vực do Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý, giải tỏa lấn chiếm đất công, làm việc với BCH Quân sự tỉnh về phương án sửa chữa, cải tạo các lô cốt để trở thành điểm khai thác dịch vụ. Tổ chức chỉnh trang cảnh quan như lót đá các tuyến đường, trồng hoa, bố trí thêm ghế đá, trồng thêm thông và hệ thống cây dọc đường kết nối đến công viên hoa để khu vực này trở thành điểm nhấn đặc sắc của Đồi Vọng Cảnh. Ngoài ra, lưu ý hệ thống cây lâm phượng vỹ cần tiếp tục được chăm sóc, cắt tỉa phù hợp và bố trí trồng dày thêm. Ngoài ra, rà soát phạm vi khu vực Đồi Vọng Cảnh để nghiên cứu việc mở rộng phía bờ sông Hương kết hợp với quy hoạch, triển khai hệ thống đường đi bộ khu vực tiếp giáp bờ sông. Kết nối từ đỉnh đồi xuống sông là hệ thống bậc cấp thiết kế hài hòa với không gian cảnh quan. Việc thiết kế đường lên đồi Vọng Cảnh chỉ để phục vụ người đi dạo, không tổ chức giao thông xe máy, ô tô. Lồng ghép việc bố trí trạm xe đạp thông minh để triển khai đồng bộ với các dự án trạm xe đạp thông minh trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ nhu cầu du lịch bằng xe đạp tại đồi Vọng Cảnh và khu vực lân cận. |
Bài, ảnh: Nhật Minh