Người lao động tìm hiểu thông tin các đơn hàng đi làm việc ở nước ngoài

Lựa chọn lập nghiệp

Sau vài năm làm công nhân ở một công ty may, Hoàng Trọng Hoành (thị xã Hương Thủy) quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi tìm hiểu, Hoành chọn đăng ký công việc lắp ráp ống nước ở một công ty tại Chiba, Nhật Bản. Hoành chia sẻ, tuổi còn trẻ nên em muốn thử sức ở nước ngoài vài năm, vừa tích lũy được vốn để lập nghiệp, vừa học hỏi được kinh nghiệm, tác phong làm việc ở đất nước phát triển. Tìm hiểu cuộc sống và công việc bên đó, em tin đây là sự lựa chọn đúng.

Chị gái của Hoành là Hoàng Thị Quỳnh Lưu cũng vừa trở về Huế sau một năm làm việc tại Nhật. Quỳnh Lưu kể, sang bên đó, em làm việc ở một công ty thực phẩm. Công việc nhẹ nhàng, cuộc sống thoải mái, đời sống người lao động được chủ doanh nghiệp quan tâm. Ngoài tích lũy vốn liếng, đây còn là trải nghiệm đáng nhớ của tuổi trẻ. Vì thế, Lưu khuyên em trai tiếp tục đăng ký đi làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ vẫn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hoành cho hay: “Từ khi đăng ký đến khi bay còn khoảng 6 đến 8 tháng với các khâu thủ tục, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, em hy vọng đến lúc đó, dịch bệnh đã được khống chế”.

Đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay, bà Đặng Thị Thùy Dương, Giám đốc phụ trách khu vực miền Trung, Công ty CP Vạn Xuân Vivaxan cho biết, dù đang dịch bệnh nhưng việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn diễn ra bình thường. Lao động vẫn bay sang Nhật Bản và các thị trường không phải là tâm dịch.

Với Công ty TNHH đầu tư, thương mại và dịch vụ Quinn Hà Nội, việc tuyển dụng lao động cho các đơn hàng cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều do dịch COVID-19. Ông Lê Trung Lâm, đại diện công ty cho hay: “Sau khi phỏng vấn, 6 đến 8 tháng sau lao động mới bay nên người lao động vẫn mạnh dạn đăng ký. Các công ty phái cử cũng phải tuân thủ theo quy định của Việt Nam và nước có lao động sang về phòng chống dịch bệnh nên người lao động không quá hoang mang. Hy vọng, đến tháng 8, dịch bệnh đã được khống chế. Tại Huế, công ty tuyển 250 người sang Nhật và 100 người đi làm việc ở thị trường châu Âu. Số lượng tuyển gấp đôi năm ngoái do phía đối tác đặt hàng nhiều hơn”.

Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn

Đến nay, phong trào đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã khởi sắc nên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) mạnh dạn đặt ra mục tiêu đưa 1.800-2.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2020. Ngay từ đầu năm, Sở LĐTBXH đã xúc tiến các kênh để mở rộng những thị trường lâu nay chưa khai thác, thị trường cũng sẽ mở cho nhiều đối tượng lao động khác nhau, từ những đơn hàng dành cho lao động giản đơn, như làm nông nghiệp, thủy sản đến lao động có tay nghề.

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐTBXH cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng khoảng sau tháng 9, theo dự báo dịch sẽ được kiểm soát. Từ đây đến tháng 9, chúng ta chuẩn bị cho việc tuyển dụng, đào tạo. Hy vọng vẫn đạt được chỉ tiêu”.

Sau nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, người dân đã thấy hiệu quả của chương trình này. Nhiều bạn trẻ đã xác định đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là con đường giảm nghèo bền vững, nhất là lao động ở nông thôn. Theo chia sẻ của ông Lê Trung Lâm, nhiều sinh viên đang học ở các trường cao đẳng, đại học đã định hướng học tiếng Nhật. Sau khi tốt nghiệp, thay vì đi vào Nam, ra Bắc xin việc thì họ chọn con đường đi làm việc tại Nhật từ 1 đến 5 năm để tích lũy tài chính, ngôn ngữ, phương thức làm việc của người Nhật.

Để đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngành LĐTBXH sẽ triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Năm nay, nguồn vốn vay dành cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được bố trí cao hơn năm trước với khoảng 20 tỷ đồng.

Với lao động có hoàn cảnh khó khăn, cái vướng lâu nay là chi phí ban đầu để học tiếng, học nghề khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, khó khăn này cũng sẽ được tháo gỡ. Sở LĐTBXH sẽ tham mưu, bàn giải pháp có nguồn vốn ủy thác về địa phương cho người lao động vay mượn để lo các chi phí ban đầu với cơ chế thông thoáng. Khi người lao động vay được vốn sẽ hoàn trả số tiền này.

Bài, ảnh: Minh Hiền