An toàn cho sức khỏe và tính mạng con người là điều đương nhiên, vì sinh mạng con người là trên hết. Nhưng, không thể bảo vệ sự an toàn đó bằng biện pháp cực đoan, đóng chặt mọi cánh cửa biên giới đất liền, bầu trời, cảng biển... Tương tự, đóng chặt mọi cánh cổng trường học, nhà máy, cửa hàng, điểm tham quan du lịch. Điều đó sẽ nhanh chóng dẫn đến sự suy yếu nền kinh tế, người dân không chỉ bị đe dọa bởi bệnh dịch mà còn thêm mối nguy của đói nghèo, loạn lạc, bệnh tật cơ hội. Và rồi, sau dịch, nền kinh tế sẽ thật khó mà gượng dậy nổi. Hậu quả kinh tế sẽ kéo dài lâu hơn hậu quả y tế.

An toàn không có nghĩa là cứ đóng cửa trường học lâu hơn, vì đó chưa phải là biện pháp phòng dịch tích cực. Học sinh không đến trường thì phụ huynh cũng phải nghỉ làm việc để trông con hoặc mất thêm chi phí cho việc trông nom con cái ở nhà; hoạt động của nhà máy, cửa hàng, văn phòng, công sở chắc chắn sẽ bị đình trệ, thậm chí phải đóng cửa theo. Các chuyên gia cho rằng, đóng cửa trường học là giải pháp tạm thời và vạn bất đắc dĩ chỉ nên áp dụng vào lúc cao điểm của dịch bệnh mà thôi, vì đó là giải pháp tốn kém nhất để phòng ngừa thiệt hại nhân mạng. Bởi vì, giải pháp đó sẽ làm cho năng suất lao động và khả năng tập trung lao động sút giảm nặng nề, chưa kể các hoạt động kinh tế phụ thuộc vào giáo dục cũng mất đi nhiều nguồn thu.

Người muốn an toàn cho con cái thì yêu cầu trường tiếp tục đóng cửa, nhưng người lo cho an toàn của “nồi cơm” gia đình (và cũng là “nồi cơm” của cả xã hội) thì đề nghị trường học nhanh chóng trở lại. Sự an toàn nào cũng cần bảo đảm, quả là bài toán quá khó, đòi hỏi giải nó trong điều kiện không được mạo hiểm nhưng cũng không thể thụ động và kéo dài quá lâu. Bây giờ thì trường học đã mở cửa trở lại, và phải linh hoạt đóng - mở tùy vào diễn biến của dịch bệnh của từng quốc gia, từng địa phương.

Chính phủ rất thận trọng với COVI9-19 nhưng cũng chủ động phòng tránh “virus trì trệ”. Thậm chí, Chính phủ cho rằng “virus trì trệ” còn đáng lo ngại hơn. Các giải pháp bảo toàn cho nền kinh tế đã được chính phủ và các chuyên gia kinh tế thiết lập, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện. Trong đó, bao gồm giải pháp để bảo toàn khi dịch bệnh hoành hành, và quan trọng nhất là phục hồi nền kinh tế sau khi dịch bệnh lắng dịu. Cửa khẩu biên giới phải đóng - mở linh hoạt, với biện pháp hợp lý, để hàng hóa xuất nhập khẩu được thông thương. Chẳng hạn, thay vì lái xe chở hàng vào sâu nội địa Trung Quốc rồi trở về và chịu cách ly 14 ngày, thì bây giờ trung chuyển hàng ngay ở cửa khẩu.

Ngành du lịch quốc gia đành phải từ chối du khách đến từ các quốc gia có dịch bệnh, nhưng vẫn mở cửa đón du khách đến từ các vùng an toàn. Ở trong nước, nơi nào an toàn thì cứ mở cửa đón khách. Các điểm tham quan sau vài ngày tạm đóng cửa đầu mùa dịch đã mở trở lại với những biện pháp bảo toàn cho du khách và người phục vụ. Cho đến lúc này, Huế vẫn là vùng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Chính quyền tỉnh cũng đã gửi thông điệp đến du khách thập phương và các doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, với cam kết “Huế là điểm đến an toàn!”. Đồng thời với cam kết đó là những biện pháp bảo toàn cho du khách, giải pháp kích cầu du lịch, tìm kiếm du khách mới, hỗ trợ doanh nghiệp...

An toàn cho sinh mạng con người nhưng cũng phải bảo đảm an toàn cho cả nền kinh tế, vì sức khỏe của nền kinh tế cũng là sức khỏe của xã hội, để chống lại sự tấn công của bệnh dịch, thiên tai, hoạn nạn... Vì vậy, lúc này vừa chống dịch nhưng cũng phải tiếp tục sống và làm ăn, đó là nhiệm vụ kép phải đồng thời thực hiện. Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn đó, không chỉ đòi hỏi sự điều hành linh hoạt, sáng suốt của chính quyền, mà rất cần sự nỗ lực, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, và quan trọng nhất là sự đồng thuận của xã hội. Giống như chiếc xe đi qua đoạn đường nguy hiểm, không chỉ cần sự sáng suốt và tài nghệ của người lái xe, mà rất cần sự bình tĩnh và đồng thuận của hành khách.

MINH DÂN