Trong những giai đoạn khó khăn trong phát triển kinh tế, như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tình trạng trì phát… Chính phủ thường dùng nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế phát triển, trong đó có hai biện pháp thường được Chính phủ sử dụng đó là đòn bẩy tài chính và đẩy mạnh đầu tư công. Đòn bẩy tài chính thì có nhiều biện pháp: thuyết phục ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp giảm lãi suất tín dụng, hoặc là Chính phủ đứng ra hỗ trợ lãi suất ở những lĩnh vực quan trọng để kích thích hoạt động của doanh nghiệp. Thúc đẩy đầu tư công cũng là một giải pháp quan trọng, tức là một nguồn tiền lớn của Chính phủ được “bơm” vào nền kinh tế để tạo ra công ăn việc làm và thu nhập. Người dân có thu nhập họ sẽ chi tiêu. Khi người dân chi tiêu sẽ kích thích các dịch vụ phục vụ tiêu dùng phát triển. Nguồn tiền Chính phủ bỏ ra đầu tư cho hạ tầng làm cho hạ tầng được tăng cường. Nếu không kích thích cho nền kinh tế phát triển trong hiện tại thì nó cũng là một yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh trong tương lai.

Cao tốc La Sơn đoạn qua Nam Đông đã hoàn thành. Ảnh: Nguyễn Phong

Trong thời kỳ hiện đại gần đây, chúng ta đã từng chứng kiến hai cuộc khủng hoảng kinh tế đó là cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Để giải cứu nền kinh tế, mọi chính phủ đều đổ ra một nguồn tiền rất lớn để hỗ trợ hoặc giải cứu nền kinh tế, trong đó có thúc đẩy đầu tư hạ tầng.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, ở Việt Nam, gói kích cầu thứ nhất trị giá 17.000 tỷ đồng đã được Chính phủ quyết định thông qua và sớm được giải ngân. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ 4% lãi suất. Sau đó vài tháng là gói kích cầu thứ hai có quy mô lớn hơn, 20.000 tỷ đồng, cũng dùng cho việc hỗ trợ lãi suất vay. Ngoài ra, Chính phủ còn dùng nhiều giải pháp như giảm thuế cho doanh nghiệp; chỉ định VDB (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) bảo lãnh tín dụng… Nếu tính tổng nguồn lực sử dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam là rất lớn, ước tính lên đến 160.000 tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD.

Tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn ra hiện nay ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế, có những nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nơi xuất phát dịch là Trung Quốc, một nước cận lân với Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc quan hệ “rất sâu” trong thương mại xuất nhập khẩu nên dịch bệnh xảy ra, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Kinh tế của Thừa Thiên Huế cũng không tránh khỏi tình trạng chung này. Tại cuộc họp bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong và sau dịch COVID-19, do ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, những thông tin từ ngành chức năng cho biết, nhiều ngành kinh tế của Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và những ngành có quan hệ thương mại xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Dự báo du lịch có thể sụt giảm

20-30%; sản phẩm bia, một mặt hàng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách có thể sụt giảm mạnh. Nếu GNDP giảm sâu thì chỉ còn khoảng 6,8 % (kế hoạch thấp nhất là 7,5%). 

Tại cuộc họp nói trên, ông Phan Ngọc Thọ có nhắc nhở đến một ưu tiên trong phát triển kinh tế đó là: Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất; triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”.

Vậy là tỉnh đã hướng đến việc kích cầu kinh tế thông qua đầu tư công. Song đầu tư công ở đây được Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh là “đầu tư công lành mạnh”.

Chúng ta có thể hiểu rằng, đó là những dự án thiết thực với phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Trong quá khứ, không phải lúc nào chúng ta thực hiện đầu tư công cũng đem lại hiệu quả, hoặc hiệu quả khó “đo đếm” được, hoặc là hàng chục năm sau mới thấy được. Và không ít công trình “đắp chiếu”, đầu tư sai lầm, chất lượng đầu tư kém nên nhanh chóng xuống cấp… Thiết thực có nghĩa là hiệu quả, phải đặt hiệu quả đầu tư công lên hàng đầu. Có như thế nó mới gánh vác được vai trò kích thích kinh tế, bằng không nó có tác dụng ngược lại, đặc biệt là nếu như thực hiện bằng nguồn vốn vay.

LÊ PHƯƠNG