Nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng do tác động của COVID-19 (Trong ảnh: Sản xuất shushi mực xuất khẩu ở Công ty CP Phát triển thủy sản Huế)
Ngành du lịch đương đầu với khó khăn lớn nhất
Tại Thừa Thiên Huế, COVID-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 2, tổng giá trị thiệt hại của ngành du lịch ước trên 41 tỷ đồng; vận tải hành khách giảm 2,1%, vận tải hàng hoá giảm 12,5% so cùng kỳ; doanh thu của các DN taxi giảm 30%; lượng khách qua các bến xe giảm 50%; ngành đường sắt ước giảm 25% doanh thu…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận: Ngành du lịch đang đương đầu với khó khăn lớn nhất từ trước đến nay. Lượng khách từ châu Á và sắp tới là châu Âu đều giảm. “Chúng ta phải đưa ra kịch bản là hầu như không có khách quốc tế đến Huế, đến Việt Nam”, ông Phúc nói.
“Lượng khách giảm khá lớn, đến 30-40% so cùng kỳ”, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ Lê Xuân Phương thông tin.
Ông Phương cũng cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, 3 tháng nữa, khoảng 30% DN có vấn đề, nếu đến hết năm chắc chắn sẽ có nhiều DN rao bán, sáp nhập. Hiện DMZ có gần 200 nhân sự và công ty đang cố gắng “xoay” để lo cho lực lượng này. “Có thể DN sẽ đưa quỹ dự phòng rủi ro để giúp nhân viên - những người đã cùng đồng hành với DN. Tuy vậy, sẽ có lộ trình, chứ không thể giúp mãi được”, Giám đốc DMZ thẳng thắn.
VKStar - công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch văn hoá với chương trình Áo dài show “đình đám” cũng “lao đao” vì dịch viêm phổi cấp. Giám đốc VKStar Nguyễn Lan Vy lo lắng: “Trước đây, mỗi ngày chúng tôi đón 300-500 khách, nay chỉ còn vài chục khách, thậm chí những ngày gần đây không đủ khách để đảm bảo show diễn. VKStar gần như đóng cửa hoàn toàn để chờ qua giai đoạn dịch bệnh”.
“Như tất cả các DN, DN y tế của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19”, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàng Viết Thắng (BVĐK HVT) Nguyễn Thị Quang Hiền nói. Cụ thể, BVĐK HVT suy giảm số bệnh nhân đến khám BHYT 15%, trong khi các bệnh viện công khoảng 30%”. Theo bà Hiền, DN lao đao do chưa có kinh nghiệm ứng phó với những khó khăn đột xuất xảy ra. “Chúng tôi có quỹ dự phòng, vật tư tiêu hao, thuốc men dự trữ đủ dùng trong 6 tháng, lương của nhân viên cũng chuẩn bị như vậy. Nhưng trong tình hình hiện nay, DN vẫn sẽ cắt giảm những gì có thể cắt giảm được”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Dương Tuấn Anh cho biết, hiện DN “khó chồng khó” do COVID-19. Ngoài giảm doanh thu, DN còn phải tăng chi phí phòng dịch: diệt khuẩn trong công ty, đơn vị; hỗ trợ khẩu trang, nước sát khuẩn cho người lao động, mua sắm thiết bị đo thân nhiệt, đầu tư chi phí y tế dự phòng cho khách hàng…
Tuy vậy, một số công ty “may mắn” có thêm điều kiện sản xuất kinh doanh như các DN sản xuất trang thiết bị y tế, dược phẩm sát khuẩn, sản xuất dược liệu, tinh dầu tràm hay DN kinh doanh online, hoạt động giáo dục trực tuyến…
Vượt khó phải từ nội lực của doanh nghiệp
Lúc này, điều mà DN chờ đợi là sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng để hỗ trợ DN vượt qua tác động của dịch COVID-19.
Theo ông Lê Xuân Phương, DMZ đang tìm các giải pháp để thu hút, kích cầu cũng như cắt giảm một số chi phí, điều chuyển nhân sự phù hợp. Tất cả các bộ phận hiện tập trung cho dịch vụ: chăm sóc khách, tìm nguồn khách mới… để giúp DN tồn tại. “Cần có chuyên gia dự báo tình hình trong thời gian tới, từ đó, DN mới rà lại nội lực về mặt tài chính để đưa ra chiến lược phù hợp. Các hội, hiệp hội cũng cần tổ chức thảo luận, chia sẻ, phân tích, tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Phương đề xuất.
“Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ giảm thuế, giãn nợ cũng như định hướng cho DN, nhất là DN du lịch có những hướng phát triển mới trong tương lai”, bà Nguyễn Lan Vy mong mỏi.
“Trong giai đoạn này, đề nghị cho giãn đóng bảo hiểm và có chính sách giãn thuế. Về ngân hàng, có thể khoanh lãi, khoanh gốc một thời gian. Những hỗ trợ này, Nhà nước cần thực hiện nhanh”, Giám đốc BVHVT Nguyễn Thị Quang Hiền nói.
Để ứng cứu cho các DN du lịch, một loạt các hành động phòng chống dịch đã được Sở Du lịch tỉnh triển khai, kêu gọi DN tham gia kích cầu du lịch, trong đó, tập trung kích cầu du lịch nội địa. Đến nay, có hơn 30 DN khách sạn, nhà hàng, DN vận chuyển đăng ký tham gia.
Cần chuẩn bị sẵn một quỹ “cấp cứu” Tại hội thảo Giải pháp cho DN trong đại dịch COVID-19 (ngày 29/2), Chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển DN Trần Sỹ Chương hiến kế, nhân lúc này, hiệp hội và DN cần ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, xem xét mình cần gì và ai có thể đáp ứng để “ới” nhau. Về phía tỉnh, cần chuẩn bị sẵn sàng một quỹ “cấp cứu”. Quỹ này từ ngân sách của tỉnh (từ những mục đích chưa cần thiết, đầu tư chưa cần gấp) và sẵn sàng cơ chế để khi DN cần thì “bơm” để cứu. |
“Chúng tôi đang tổng hợp chương trình kích cầu gửi cho Tổng cục Du lịch, VietNam Airlines và một số đơn vị hàng không khác để cùng “tung” chương trình đến từng khu vực. Hiện đã liên kết các điểm đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình để tạo “Điểm đến miền Trung an toàn, thân thiện” với mức giá ưu đãi chưa từng có”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc thông tin.
Để gỡ khó cho DN, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh đã có các buổi làm việc với các sở, ngành để đưa ra các giải pháp ứng phó trong bối cảnh dịch bệnh; Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng đã gửi văn bản đến các cơ quan, ban ngành, tuyên truyền trên truyền thông để người dân và DN biết các chính sách một cách cụ thể.
Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh Thừa Thiên Huế Lê Việt Sỹ cho biết: “Sacombank (hiện đang chờ văn bản) có khoản vay 10 ngàn tỷ đồng, lãi suất giảm đến 1-2% cho khách hàng. Vietcombank đưa ra các khoản tài trợ: dư nợ giảm 1% đối với Việt Nam đồng, giảm 0% với ngoại tệ; đồng thời tăng cường giảm chi phí chuyển tiền. Hiện NHNN cũng giảm chuyển tiền cả quý để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm chi phí chuyển tiền; qua đó tăng cường thanh toán online, giảm tiếp xúc trực tiếp cũng là giảm nguy cơ dịch bệnh”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, sẽ có những chính sách chung mang tính chất vĩ mô như cơ chế thanh tra, kiểm tra, miễn giảm thuế… Tuy vậy, vượt khó phải từ chính nội lực của DN, còn hỗ trợ từ phía Nhà nước, chỉ mang tính chất tương đối chứ không thể có hỗ trợ lớn, nhất là hỗ trợ trực tiếp về kinh tế. “DN cần chú trọng việc quản trị DN, xây dựng kịch bản thực sự để có sự chủ động trong bị động, tư duy lại sản phẩm mới, phù hợp với thị trường, xây dựng chiến lược ứng phó sau mùa dịch bệnh…Tạo sức đề kháng thực sự tốt để vượt qua khó khăn”, ông Định nói.
Bài, ảnh: LIÊN MINH