Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc Mỹ áp các loại thuế trả đũa đã khiến nhiều nhà sản xuất quốc tế ở Trung Quốc chuyển hoạt động sang các thị trường khác trong khu vực. Theo các nhà phân tích của ASEAN Today, sự dịch chuyển của nhiều nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể được coi là một cơ hội tiềm năng cho cả Ấn Độ và Việt Nam, khi cả 2 nước đều có lợi thế từ nguồn lao động giá rẻ dồi dào, giúp cả hai nền kinh tế trở thành điểm đến khả thi thay thế cho Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng GDP và tạo thêm việc làm ở mỗi nước.

Tuy nhiên, Ấn Độ và Việt Nam đều vấp phải một số vấn đề có thể khiến các nhà sản xuất e ngại. Các rào cản chính sách, ví như các quy tắc nghiêm ngặt liên quan đến sản xuất quy mô lớn và việc thu hồi đất khiến các nhà sản xuất phân vân khi dịch chuyển sang Ấn Độ. Trong khi đó ở Việt Nam, việc thiếu các kỹ năng sản xuất thiết yếu trong lực lượng lao động là một thách thức lớn cần được giải quyết.

Việt Nam và Ấn Độ ký kết văn kiện hợp tác trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Việt Nam tháng 9/2016. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong bối cảnh đó, việc Ấn Độ và Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế một cách sâu sắc hơn có thể mang lại nhiều lợi ích vốn đã bị bỏ lỡ và giúp gia tăng thương mại song phương, giới chuyên gia nhận định.

Thương mại song phương Ấn Độ - Việt Nam

Theo Economictimes, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng ổn định trong hai thập kỷ qua. Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam năm 2000 đứng ở mức 200 triệu USD, nhưng con số này trong năm tài chính 2018-2019 đã lên tới 13,69 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra cho năm nay là đạt mốc 15 tỷ USD.

Thịt và cá là mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ đến Việt Nam. Thịt chiếm 27% tổng lượng xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam, trong khi xuất khẩu cá chiếm 17%. Ngược lại, mặt hàng nhập khẩu chính của Ấn Độ từ Việt Nam là thiết bị điện, chiếm 49% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này.

Các nhà đầu tư Ấn Độ cũng rất chú trọng đến các lĩnh vực năng lượng, thăm dò khoáng sản và chế biến nông sản của Việt Nam. Thống kê cho thấy, Ấn Độ tham gia vào 255 dự án ở Việt Nam với các khoản đầu tư có tổng trị giá khoảng 922 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang đầu tư 29 triệu USD vào các dự án tại Ấn Độ, trong đó ngành dược phẩm và công nghệ thông tin (CNTT) chiếm thị phần lớn nhất.

Bên cạnh đó, Economictimes cho rằng, du lịch, thương mại điện tử và sản xuất thực phẩm là những ngành có tiềm năng cao nhất để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Việt Nam. Du khách từ hai nước đều có thể được cấp thị thực du lịch để đến nước còn lại, tuy nhiên việc thiếu các chuyến bay trực tiếp kết nối hai quốc gia khiến cơ hội du lịch phần nào bị hạn chế. Do đó, việc ra mắt các chuyến bay trực tiếp giữa Ấn Độ và Việt Nam vào năm 2019 dự kiến ​​sẽ giúp ngành du lịch xuyên biên giới này phát triển mạnh trong tương lai.

Ngoài ra, thương mại điện tử và sản xuất thực phẩm cũng đang nắm giữ nhiều cơ hội phát triển. Ấn Độ hiện cho phép đầu tư trực tiếp 100% từ nước ngoài vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và ngành thương mại điện tử. Điều này được xem sẽ là động lực để các công ty Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ.

Nhiều tiềm năng hợp tác

Theo ASEAN Today, bên cạnh cơ hội tăng trưởng kinh tế thì việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam cũng mang đến cho Ấn Độ cơ hội tăng cường cam kết với ASEAN khi Việt Nam hiện là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Ngoài ra, với việc Ấn Độ từ chối tham gia Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ấn Độ và ASEAN được kỳ vọng sẽ xem xét lại thỏa thuận thương mại tự do hiện có. Ấn Độ đã sửa đổi các cam kết với ASEAN có thể dẫn đến việc tăng gấp đôi thương mại song phương lên 300 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện tại, có hai lĩnh vực cụ thể có thể được hưởng lợi từ việc cắt giảm các rào cản thương mại, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm. Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ nới lỏng các rào cản thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Thực tế, xuất khẩu nông sản của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nhu cầu của Trung Quốc. Khi các đơn đặt hàng từ Trung Quốc sụt giảm do dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam phải tìm kiếm các thị trường khác trong khu vực để thay thế. Hiện tại có những hạn chế đối với việc nhập khẩu các mặt hàng như hạt tiêu đen và hạt điều vào Ấn Độ. Nếu được dỡ bỏ, các nhà xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam có thể “mở khóa” vào một thị trường mới trong khu vực.

Đồng thời, Ấn Độ cũng yêu cầu Việt Nam mở cửa thị trường dược phẩm. Ngành dược phẩm là một trong những ngành phát triển nhanh nhất Ấn Độ. Xuất khẩu dược phẩm chiếm gần 6% tổng xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ. Mặc dù ngành công nghiệp dược phẩm nội địa của Việt Nam cũng đang phát triển, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng được 53% nhu cầu trong nước. Được biết, Việt Nam đang nỗ lực để thu hút các công ty dược phẩm Ấn Độ sản xuất tại Việt Nam, thay vì phải tăng lượng mua dược phẩm từ Ấn Độ.

ASEAN Today khẳng định rằng, tiềm năng kinh tế đầy đủ của mối quan hệ Ấn Độ với các quốc gia ASEAN vẫn đang chờ được khai thác. Những nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường quan hệ kinh tế Ấn Độ - Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho cả hai nước, đồng thời cũng mang đến cho Ấn Độ một nền tảng vững chắc để tăng cường sự gắn kết kinh tế với các nước ASEAN nói chung.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ ASEAN Today & Economictimes)